Tóm tắt: Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là danh họa Việt Nam, có nhiều tác phẩm hội họa xuất sắc có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bài viết khái quát về tiểu sử hoạt động và những thành tựu mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
Từ khóa: Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trường Mỹ thuật Đông Dương
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922, quê quán huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, ông đã ham học và rất thíchvẽ. Khi học xong bậc tiểu học ở Vinh, ông đã theo người anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ, người tốt nghiệp khoá I trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930) để học vẽ, ông đã học vẽ say sưa và rất có năng khiếu. Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương khoá 15 (1941 - 1946), học cùng với ông có các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình… Năm 1944, khi còn là sinh viên ông đã có tác phẩm dự triển lãm và giành được giải Nhất Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) với toàn bộ tác phẩm: Cổng làng Mái, Cảnh đồng quê, Người gác Văn Miếu (chất liệu Sơn dầu và Khắc gỗ).
Tháng 6 năm 1945, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm rời trường Mỹ thuật Đông Dương trở về quê tham gia Việt Minh, cướp chính quyền tại quê nhà và làm Uỷ viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho đến cuối năm 1946. Sau đó, ông công tác tại Sở Thông tin khu III. Năm 1947, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lên chiến khu Việt Bắc, công tác tại Đoàn Văn hoá kháng chiến, làm họa sĩ Báo Toàn dân Kháng chiến, Báo Sông Lô, vẽ nhiều tranh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chính phủ Cụ Hồ. Tại Triển lãm Hội hoạ năm 1948, chào mừng Đại hội Văn nghệ Việt Nam tại Đào Giã - Phú Thọ, tác phẩm khắc gỗ màu Dân quân Phù Lưu đã được tặng giải Nhất.

Năm 1951, khi trường Mỹ thuật kháng chiến được thành lập do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng một số sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương chưa hoàn thành khoá học đã được mời về trường làm bài tốt nghiệp. Vào thời gian đó, ông cũng làm giảng viên của nhà trường. Đến năm 1952, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được phân công phụ trách Xưởng họa của Hội Văn Nghệ Việt Nam. Tại đây, ông đã cùng với một số họa sĩ thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, đặc biệt ông đã đưa được màu xanh lục vào tranh sơn mài tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam...
Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông được cấp một phòng ở tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác như họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Căn nhà này được mệnh danh là Nhà nghệ sĩ. Ngày 26 tháng 3 năm 1957, ông tham dự Hội nghị thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành khoá I (1957 - 1983).
Năm 1959, khi trường Trung cấp Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) thành lập, ông được mời làm giảng viên của trường. Thời gian dạy ở trường không dài, nhưng những học viên khoá I của trường được ông giảng dạy sau này đã trở thành những nghệ sĩ tạo hình tài năng. Năm 1962, ông về Tổ Sáng tác của Hội Văn nghệ Việt Nam cùng với nhiều các tài danh khác và làm việc cho đến năm 1982 thì nghỉ hưu.
Sau những thử nghiệm sơn mài ở Việt Bắc, trong những năm hoà bình mới được lập lại ở miền Bắc, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tập trung nhiều thời gian làm tác phẩm bằng chất liệu sơn mài với những thử nghiệm và tìm tòi nhiều cách thể hiện về màu sắc và những khả năng của chất liệu. Sơn mài của ông đã thành công với một ngôn ngữ riêng từ khả năng diễn tả hiện thực, tiếp thu tinh hoa vốn Mỹ thuật cổ, đến những khả năng thể hiện theo phong cách hiện đại. Các tác phẩm đó đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955 với tác phẩm: Một điệu múa - sơn mài. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 với 6 tác phẩm chất liệu sơn mài, bột màu trong đó có tác phẩm bột màu Tát nước chống hạn - 66x50cm (1956) và các tác phẩm sơn mài: Bờ Hồ - 150x70cm; Con nghé 65x45cm (1957); Hai em bé, gà, nghé và lợn - 40x50cm; Đọc truyện trên sàn nhà - 69x50cm; Một cảnh tát nước - 120x70cm (1958). Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm1960 với 3 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm sơn mài: Nông dân đấu tranh chống thuế - 100x150cm và Một xóm người Ao Tả - 58x87cm (1960) và bức tranh sơn dầu Một điệu múa cổ - 63x84 (1959)...
Tại triển lãm 12 nước Xã hội chủ nghĩa ở Mátcơva (1958 - 1959) và triển lãm tại các nước Xã hội chủ nghĩa anh em ở Đông Âu (1959 - 1960), một triển lãm lớn lần đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam được đưa ra nước ngoài, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã được chọn trưng bày 3 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm sơn mài: Bác Hồ - 150x70cm và Con nghé - 65x45cm (1957)...
Ngoài sáng tác tranh, ông còn trình bày bìa tập sách Tranh dân gian Việt Nam 1 cho Nxb Văn Hoá, cuốn sách này đã được tặng giải Nhất tại Hội chợ sách quốc tế tại Mátcơva năm 1971. Tiếp đó là tập sách tranh Dân gian Việt Nam 2 được tặng Huy chương vàng IBA tại Laixích, CHDC Đức. Năm 1972, ông được cử đi tham quan tại Trung Quốc về đồ thủ công mỹ nghệ, đây là lần đầu tiên ông đến Bắc Kinh - Thượng Hải - Quảng Châu. Sau chuyến tham quan này, ông đã làm một số đĩa sơn mài trang trí và hai đĩa trong số đó đã được giải thưởng Triển lãm Mỹ nghệ Thủ đô năm 1975. Năm 1984, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam cử đi Tiệp Khắc dự Hội thảo quốc tế về Nghệ thuật Đồ hoạ sách báo và tham quan một số thành phố như Praha, Bino, Bratislava...
Sau ngày thống nhất đất nước, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm mới, tham gia nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế. Có thể kể tới triển lãm tranh Nguyễn Tư Nghiêm được Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam tổ chức tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 năm 1985. Triển lãm cá nhân Bộ tranh con giống tại Gallery 7 Hàng Khay, Hà Nội do Công ty Mỹ thuật Trung ương Bộ Văn hóa tổ chức năm 1988. Triển lãm tranh Nguyễn Tư Nghiêm tại Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông và Phương Tây tại Ôđessa - Liên Xô do Hội Mỹ thuật Liên Xô và Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam tổ chức. Tác phẩm của ông cũng tham gia nhiều triển lãm nhóm và các triển lãm Mỹ thuật quốc tế như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 10 năm 1989; triển lãm Hội hoạ, Điêu khắc, Gốm nhóm 12 người tại Gallery 7 Hàng Khay và tại TP. Hồ Chí Minh…

Triển lãm tranh Sơn mài Việt Nam cỡ nhỏ gồm tác phẩm của các tác giả Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... được Hội Việt kiều Pháp tổ chức lại Nhà Văn hoá Việt Nam tại Paris. Nhiều tác phẩm khác của ông đã tham gia triển lãm trong nước và quốc tế ở Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Angiêri và các nước Đông Âu. Đáng chú ý là năm 1985, tác phẩm sơn mài Điệu múa cổ (1) tham gia trưng bày tại Triển lãm tuần kì 3 năm nghệ thuật hiện thực tại Sophia, Bungary lần thứ nhất đã được tặng Giải thưởng chính thức. Nếu tác phẩm đồ hoạ của các họa sĩ Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, thì đây là tác phẩm hội hoạ đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng quốc tế từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Tiếp đó, năm 1987, tác phẩm sơn mài Điệu múa cổ (2) của ông đã được tặng giải thưởng chính thức Triển lãm quốc tế Hội hoạ và Đồ hoạ do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thuộc thế hệ đầu tiên của nền Mỹ thuật cách mạng Việt Nam, ông đã dành hết cuộc đời mình cho sáng tác hội hoạ. Gần như ngày nào ông cũng vẽ, tác phẩm nào của ông cũng thấm đậm tình cảm và tài nghệ của một họa sĩ lớn. Với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, chì than... chất liệu nào ông vẽ cũng thành công. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người biết tới và được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng thành phố Hải Phòng, Bảo tàng Phương Đông Mátcơva, Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá - Thông tin, Công ty Tàu biển Việt Nam tại Hải Phòng.
Trong quá trình sáng tác, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải Nhất Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) năm 1944, Giải Nhất Triển lãm Hội hoạ năm 1948 tại Việt Bắc, Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, Giải Nhất tại Hội chợ sách quốc tế tại Mátcơva và Huy chương Vàng IBA tại Laixích, CHDC Đức năm 1971; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1975, Giải thưởng quốc tế Sofia - Bungari năm 1983, Giải thưởng Triển lãm Hội hoạ và Đồ hoạ quốc tế lần thứ nhất năm 1987, Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Đặc biệt, năm 1996, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) cho các tác phẩm: Con nghé quả thực - sơn mài (1957), Đêm giao thừa - sơn mài (1958), Nông dân đấu tranh chống thuế - sơn mài (1958), Điệu múa cổ - sơn mài (1983), Thánh Gióng - sơn mài (1990)...
Trong quá trình hoạt động, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một danh hoạ lớn, cây đại thụ của nền Mỹ thuật Cách mạng, hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm có nguồn cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian Việt Nam đồng thời có nhiều sáng tạo tìm tòi mới có cá tính độc đáo với phong cách nghệ thuật hiện đại. Nhiều tác phẩm sơn mài của ông có giá trị nghệ thuật cao, ông là nghệ sĩ có tên tuổi trong nước và nhiều nước trên thế giới.
Trần Khánh Chương