tác giả - tác phẩm

Một Nguyễn Đỗ Cung tài năng - nhân cách

13:28 | 18/11/2024
82 lượt xem
Tải bài viết
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở đường cho một quan niệm nghiên cứu và một nhân cách nghệ thuật.
Tóm tắt: Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở đường cho một quan niệm nghiên cứu và một nhân cách nghệ thuật. Trong sáng tạo mỹ thuật, ông là một họa sĩ tài năng, đã tìm cho được một cốt cách Việt Nam, một tinh thần hội họa Việt Nam hiện đại khi tiếp xúc với Nghệ thuật phương Tây qua Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945). Với tư cách Viện trưởng, ông đã bắt đầu công việc của mình không dễ dàng nhưng những con đường ông hoạch định đầy bản lĩnh, quyết đoán: Tiến hành điền dã liên tục để tìm ra phong cách tiêu biểu trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí và ý nghĩa thực tiễn qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Cải tạo một tòa biệt thự cũ theo phong cách Pháp để mang dáng dấp một bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Xây dựng, đào tạo một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật cổ đầu tiên của Việt Nam. Ông là một tài năng uyên bác được hình thành từ một nhân cách lớn, cao quý trân trọng - và ông đã thành công ở cả hai phía: Sáng tác và Nghiên cứu.
Từ khóa: Tài năng, nhân cách, sáng tác, nghiên cứu, cốt cách Việt Nam...
Họa sĩ - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung sinh năm 1912 quê xã Xuân Tảo - Từ Liêm - Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa V (1929-1934) với những thể nghiệm nghiên cứu đầu tiên về sơn mài và Lịch sử Mỹ thuật cổ Việt Nam, người sáng lập Bảo tàng mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX.

Tưởng niệm về Viện Trưởng Nguyễn Đỗ Cung nhân ngày giỗ thứ 40 (19772017) với bao kỷ niệm gắn bó ông với tập thể Viện Mỹ Thuật - Mỹ nghệ sau này là Bảo tàng mỹ thuật nơi ông sáng lập và làm việc, tôi hình dung ra ông khi là một họa sĩ tài năng duy lý bao năm trăn trở trong nghề với nét bút khô đanh, mạnh mẽ, góc cạnh, khi lại là một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật uyên bác cẩn trọng, say mê. Tôi sẽ tái hiện hình ảnh ông ở phương diện nào đây? Bởi, Nguyễn Đỗ Cung họa sĩ và Nguyễn Đỗ Cung nhà nghiên cứu đều đáng được tôn trọng trong ghi nhớ với những ai đã vinh dự làm việc, cộng tác với ông.

Tên tuổi ông gắn liền với những năm tháng vẻ vang nhất trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tìm về cội nguồn trong ý thức độc lập tự chủ văn hóa - nghệ thuật. Lịch sử mỹ thuật Việt Nam Cổ đại và Hiện đại ghi nhận ông là người đi tiên phong trong phong trào xây dựng một nền nghệ thuật Việt Nam chân chính khoa học, đại chúng. Chúng ta biết ơn ông, người mở đường cho một quan niệm nghiên cứu, một phương pháp nghiên cứu và một nhân cách nghiên cứu.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ không nhiều nhưng với những tác phẩm được sáng tác trước và sau Cách mạng Tháng tám cũng đủ bằng cứ để chứng minh ông là một họa sĩ tài năng băn khoăn tìm tòi trước bảng màu để tìm cho được một cốt cách Việt Nam, một tinh thần hội họa Việt Nam hiện đại khi tiếp xúc với nghệ thuật Phương Tây qua Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945).

Sau năm năm học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương ông trở thành giáo sư dạy hình họa của nhiều trường tư thục ở Hà Nội, tham gia bày tranh 1936, 1937, 1938 của tổ chức “Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ” (SADEAI). Cũng trong thời gian này ông viết nhiều bài phê bình mỹ thuật, gia nhập nhiều nhóm sáng tác và sinh hoạt trí thức. Ông đi tìm một lẽ sống cho nghệ thuật. Và sự kiện đầu tiên cho cuộc tìm kiếm chân lý đó là bài báo “Những sự cải cách của Trường Mỹ thuật Đông Dương” đăng trên báo Ngày nay số 144 ngày 7 - 1 - 1939 do ông khởi xướng với sự đồng tình của các họa sĩ Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị và Nguyễn Khang chống Jonchère -  vị Hiệu trưởng mới của Trường Mỹ thuật Đông Dương, khi Jonchère tuyên bố: “Tôi đi Hà Nội chuyến này chỉ muốn đào tạo thợ mỹ nghệ chứ không phải nhà nghệ sĩ. Ta không nên đợi ở họ những tác phẩm về cảm hứng (Trả lời phỏng vấn của báo Opinion Saigon) và ông ta muốn đổi tên trường thành trường Mỹ nghệ. Hành động phản đối của Nguyễn Đỗ Cung đã gây ra không ít khó khăn cho ông, việc đầu tiên là cấm không được đến Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông rời Hà Nội trong tâm trạng u uất trăn trở, trong hoài bão thì lớn lao mà thế sự thì thăng trầm. Năm 1941 ông vào Huế dậy học. Trong cái vắng lặng của ngõ  Âm Hồn, một khu Hoàng Thành hoang phế và điêu tàn, ông càng hướng suy nghĩ và lao động sáng tạo của mình vào việc tìm hiểu về dân tộc nhân sinh. Hai tác phẩm còn lại đến nay trong sưu tập Café Lâm (60 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) là Cổng thành Huế - bột màu - 1941 và Cổng làng - sơn dầu - 1940 được nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng mang khuynh hướng Lập thể với đường nét khô đanh, lạnh xám nguyên khối mạch lạc trong hình thể, rõ ràng khúc triết trong tư duy hình tượng để chuyển tải một tâm sự nào đó trước thời cuộc. Ông là người đầu tiên tìm kiếm cái đẹp trong tư duy Lập thể trước sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm thẩm mỹ Việt Nam.
Năm 1942 ông cùng các bạn xuất bản cuốn Nguyễn Du văn họa tập, trang bìa ông vẽ Mai Hạc theo tứ thơ của Nguyễn Du:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ hạc là người quen
Và khi các bạn chọn những cảnh tả tình, tả cảnh đẹp nhất trong Truyện Kiều để minh họa như “Khắc vợi canh tàn” của Trần Văn Cẩn, “Trăng tà về tây” của Lương Xuân Nhị, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” của Nguyễn Tường Lân, “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” của Nguyễn Gia Trí, “Dập dìu là gió cành chim” của Phạm Hầu, “Tú bà ghé lại thong dong” của Tô Ngọc Vân thì Nguyễn Đỗ Cung chọn hình ảnh Từ Hải râu hùm, hàm én “Rạng vẻ cân đai” - Một khuôn mặt vuông vức góc cạnh lẫm liệt. Trong cuộc đời hội họa của mình, ông thích cái hùng tráng hơn trữ tình, ông ưa cái duy lý hơn cái hương hoa vật chất của sự sống.
Trước khi đi Nam tiến 1947, Nguyễn Đỗ Cung sống trọn vẹn trong giai đoạn 1930 - 1945 tuy ngắn ngủi nhưng đã quyết định bao phong cách nghệ sĩ, bao tuyên ngôn của các nhóm sáng tác đã định hướng một trào lưu nghệ thuật rộng khắp, đổi mới.
Từ phong trào Thơ Mới do Thế Lữ người có công đầu đem lại một nhịp điệu lãng mạn tinh tế trong ngôn ngữ Việt đầu thế kỷ đến nhóm văn chương Tự Lực Văn Đoàn với tuyên ngôn: “Lúc nào cũng mới trẻ, yêu đời không có tính cách trưởng giả quý phái, tôn trọng tự do cá nhân làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa”, báo Phong Hóa 1934. Từ nhóm nghiên cứu Cổ học Tri tân do Nguyễn Tường Phượng khởi xướng với tôn chỉ Ôn cố tri tân đến nhóm Xuân Thu nhã tập do Nguyễn Lương Ngọc làm chủ soái với tôn chỉ đẹp đẽ Trí thức - sáng tạo - đạo lý tập hợp đủ các loại hình nghệ thuật Văn, Thơ, Nhạc, Họa. 

Sự có mặt của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trong nhóm Xuân Thu nhã tập năm 1942 biểu hiện một tâm hồn thuần khiết nghệ sĩ, một sự lựa chọn để khẳng định nhân sinh quan trong tiếp nhận khuynh hướng mới. Sự khác biệt Nguyễn Đỗ Cung với bạn bè trang lứa qua tác phẩm Lập thể còn qua một tự sự đẹp “Sống và vẽ” đăng trong Xuân Thu nhã tập 1942. Gia nhập nhóm này bởi Nguyễn Đỗ Cung tìm thấy nhóm có khuynh hướng riêng có tuyên ngôn, cơ quan ngôn luận, ngôn ngữ đổi mới, xuất hiện một số bài thơ viết theo kiểu đóng kín (hermétique) kiểu thơ Tượng trưng, thơ Siêu thực như “Đáy đĩa mùa đi nhịp hãi hà” hay “Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm” của Nguyễn Xuân Sanh. Bài tự sự Sống và vẽ của Nguyễn Đỗ Cung mang phong cách Siêu thực từ ngôn từ đến ý tưởng. Đó cũng là lý do ông “luôn khó nhọc buồn phiền dày vò ông” như nhà nghiên cứu Thái Bá Vân đã từng nhận xét rất đúng về Nguyễn Đỗ Cung. Tôi cũng mong một ngày nào đó các nhà nghiên cứu mỹ thuật cùng chia sẻ bài tự sự đẹp này của Nguyễn Đỗ Cung để hiểu thêm ông đã đi từ Lập thể qua Hiện thực XHCN ở những sáng tác ký họa Liên Khu V, thập niên 60, 70, đến tác phẩm cuối đời Tan ca mời chị em đi họp thi thợ giỏi  - sơn dầu - 1976 lại mang hơi hướng Lập thể nguyên khối, hiện thực đấy nhưng mạnh mẽ, góc cạnh làm sao.

Các họa sĩ tiền bối của Việt Nam cũng đã từng phát biểu Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời (Tô Ngọc Vân), Nguyễn Gia Trí cuối đời tuyên bố sẽ vẽ Trừu tượng vì nó là Unique (duy nhất) chống lại Imitation (mô phỏng bắt chước), Nguyễn Đỗ Cung thích nhóm Xuân Thu nhã tập bởi các thành viên đã cập bến Siêu thực trong tư duy, thoát ly đời thực đi vào đạo lý, tâm tưởng…

Năm 1962 đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng của giới mỹ thuật Việt Nam: Thành lập Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ. Trọng trách Viện Trưởng được giao cho họa sĩ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung. Là một Viện nghiên cứu khoa học xã hội có tính chất đặc thù mà trước đây chưa có ai làm, Viện Trưởng Nguyễn Đỗ Cung đã bắt đầu công việc của mình không dễ dàng nhưng những gì ông đã vạch ra, đã hoạch định thì đầy bản lĩnh, quyết đoán:
-    Tiến hành đi điền dã liên tục hàng tháng trời các khu di tích tiêu biểu từ Bắc xuống Nam từ Đông sang Tây chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc bộ để từ đó tìm ra các phong cách nghệ thuật tiêu biểu trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí và ý nghĩa thực tiễn qua các triều đại phong kiến Việt Nam.
-    Cải tạo một tòa biệt thự cũ theo phong cách Pháp để mang dáng dấp một bảo tàng mỹ thuật quốc gia.
Là một người am hiểu nền nghệ thuật dân tộc, bảo tàng mỹ thuật hiện lên hoàn chỉnh trong tư duy hàn lâm trí tuệ, các môtip trang trí phủ đầy mặt ngoài tòa biệt thự, được chọn lọc kỹ càng phong cách Lý, Trần, Lê trung hưng
- Xây dựng, đào tạo một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật cổ đầu tiên của Việt Nam.

Mục tiêu chính của Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ là xây dựng Bảo tàng mỹ thuật do đó từ năm 1962 đến 1966 Viện Trưởng Nguyễn Đỗ Cung đã hoàn thành trách nhiệm được giao, Bảo tàng Mỹ thuật được khánh thành vào ngày 26/6/1966. Cho đến bây giờ, các học trò ông đã dậy bão khi phát biểu về ông, họ đều chung một nhân định ông là một tài năng uyên bác được hình thành từ một nhân cách lớn, cao quý trân trọng.
Nội dung trưng bày phần Nghệ thuật Cổ đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngoài ông ra có lẽ không có nhà nghiên cứu nào nhìn thấu đáo chiều sâu thẳm ký ức - xa xôi lịch sử dựng nước, giữ nước. Nguyễn Đỗ Cung đã thắng học giả thực dân Bezacier trong tranh luận nghệ thuật Phật Tích, đã thắng ông Hiệu trưởng Jonchère về đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đã cân nhắc cẩn trọng, mầy mò ra được nghệ thuật thời Mạc, cất đi một dấu hỏi hoài nghi của nhà nghiên cứu. Đã từ trong bom đạn B52 vẫn công bố nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đình làng trong ba thế kỷ 16-17-18 đầy ắp hiện vật trên các mảng tường lớn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và cuối cùng đã khẳng định được nghệ thuật Tây Sơn trong bối cảnh điêu tàn của nhà nước Lê – Trịnh.

Nhiều người đã tự hỏi: Làm sao ông điều hòa được hai con người khác nhau một nghệ sĩ và nhà khoa học về thói quen lao động và ứng xử tâm lý. Vậy mà ai cũng bảo là ông đã thành công ở cả hai phía: Sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân (1933-1999) nhận xét rất đúng “Có phải đó là cái mâu thuẫn khó nhọc kéo dài không phân giải được trong cả cuộc đời ông đã làm nên mọi danh dự và buồn phiền cho ông. Đánh giá Nguyễn Đỗ Cung trầm lặng thiết tha với đời kể cả tự mâu thuẫn đau đớn với chính mình một cách chân thành và hối hận”.

Tôi xin phép được dùng lời nhận xét đó để kết luận bài viết này của tôi./.
 
Nguyễn Hải Yến

 

Các tin khác

Tranh tĩnh vật khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh

Tranh tĩnh vật khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở ...
Hóa Thân 241 - Metamorphosis 241

Hóa Thân 241 - Metamorphosis 241

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở ...
Vọng sơn của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương

Vọng sơn của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở ...
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm Cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm Cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở ...
Triển lãm Khải sinh

Triển lãm Khải sinh

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Người sáng lập ra Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật. Ông là người mở ...

Các số đã xuất bản

Số 3 (2025)

Số 3 (2025)

Đã xuất bản: 04/2025
Số 2 (2024)

Số 2 (2024)

Đã xuất bản: 02/2025
Số 1 (2024)

Số 1 (2024)

Đã xuất bản: 10/2024
Số 3 (2016)

Số 3 (2016)

Đã xuất bản: 11/2024
Số 1 (2017)

Số 1 (2017)

Đã xuất bản: 11/2024