tác giả - tác phẩm

Tranh tĩnh vật khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh

13:31 | 18/11/2024
230 lượt xem
Tải bài viết
Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát triển nghệ thuật đồ họa tạo hình và tranh tĩnh vật trong mỹ thuật Việt Nam.
Tóm tắt: Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát triển nghệ thuật đồ họa tạo hình và tranh tĩnh vật trong mỹ thuật Việt Nam. Bài viết tập trung nói lên những sáng tạo và độc đáo của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh trong thể loại tranh tĩnh vật bằng chất liệu khắc thạch cao. Sự sáng tạo và độc đáo trong sáng tác tranh tĩnh vật khắc thạch cao của ông thể hiện ở cách xây dựng hình tượng, ở kỹ thuật và chất liệu thể hiện, ở cách biểu hiện màu sắc và chất cảm.
Từ khóa: Tranh tĩnh vật, tranh khắc thạch cao, chất liệu và kỹ thuật khắc thạch cao, họa sỹ Đường Ngọc Cảnh, đồ họa Việt Nam.
.
Tranh khắc thạch cao là một thể loại đã ra đời và phát triển ở Việt Nam trong khoảng gần 50 năm nay. Kỹ thuật, chất liệu khắc thạch cao đã đồng hành cùng tên tuổi của nhiều họa sỹ đồ họa, đem lại cho họ những thành công đáng kể. Một trong số các họa sĩ đã thể hiện thành công, khẳng định được cá tính sáng tác riêng và đưa nghệ thuật tranh khắc thạch cao đứng ngang tầm với các thể loại khác, đó chính là họa sĩ Đường Ngọc Cảnh. 
Cũng như nhiều họa sĩ khác, ông sáng tác tác phẩm của mình với những quan niệm, tình cảm, cảm xúc và cách tạo hình riêng. Những hoa trái, vật dụng thân quen hàng ngày luôn được ông chú ý và trở thành đề tài nổi bật, xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác tranh khắc trên chất liệu thạch cao của ông. Những hình ảnh bình dị đã trở thành hình tượng nghệ thuật trong nhiều tác phẩm tĩnh vật độc đáo, giàu tình cảm chân thật, nhân văn được họa sĩ Đường Ngọc Cảnh biểu đạt một cách sáng tạo, tinh tế qua chất liệu, kỹ thuật khắc thạch cao. 

Sự sáng tạo, độc đáo về xây dựng hình tượng trong tranh tĩnh vật
Dành nhiều thời gian để nghiên cứu và làm việc trên chất liệu khắc thạch cao này, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh đã sáng tác số lượng lớn tác phẩm ở thể loại tranh tĩnh vật về các chủ đề về hoa, lá, trái cây, đồ vật,… Điều đặc biệt là các tác phẩm tranh tĩnh vật của ông đều có dấu ấn riêng và đặc sắc về phương pháp tạo hình, cách thể hiện màu sắc và không gian. 


Với tranh tĩnh vật Phương Tây, các đối tượng trong tranh thường ở trạng thái tĩnh tuyệt đối và đã bị tách rời sự sống, nếu có những con côn trùng hay động vật thì chúng đều đã chết. Mặc dù được học về đồ họa ở Châu Âu, nhưng Đường Ngọc Cảnh lại có cách sáng tác tranh tĩnh vật khác hẳn. Bên cạnhsố tranh tĩnh vật đúng nghĩa theo kiểu Châu Âu, phần nhiều các tác phẩm tranh tĩnh vật bằng chất liệu khắc thạch cao của họa sĩ thể hiện các đối tượng còn sống như chậu hoa cảnh đang bừng nở (hoa Thủy Trâm, hoa Lan Ý với con chuồn chuồn), mấy bông hoa chuối với những chú bướm bay lượn và con châu chấu đậu yên bên cánh hoa, đám lá bàng khô đỏ rực với con bọ ngựa đang dạo chơi, một chiếc giỏ với những con cua đang bò, v.v... Nghĩa là những đối tượng về cây cỏ, hoa trái và côn trùng ở trạng thái tĩnh nhưng tất cả đều vẫn liên kết với sự sống. Toàn bộ các tranh tĩnh vật của ông cho thấy rằng ông đã kết hợp rất tài tình giữa thể loại tranh tĩnh vật Châu Âu và thể loại tranh Hoa điểu-Thảo trùng của Phương Đông để tạo nên loại tranh tĩnh vật rất riêng của mình. Đó chính là một phần tạo nên cái hay, cái độc đáo mới lạ trong tranh tĩnh vật bằng chất liệu khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh.

Sáng tạo và độc đáo ở chất liệu và kỹ thuật khắc, in tranh khắc thạch cao
Việc bắt đầu thử nghiệm chất liệu thạch cao làm bản khắc/khuôn in thuộc về một số họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, trong đó Đường Ngọc Cảnh là người có công lớn trong khởi xướng và phát triển. Thời gian đầu, việc sử dụng bản in bằng thạch cao cũng chỉ nhằm tìm cách khắc phục sự thiếu thốn về nguyên vật liệu trong giảng dạy và sáng tác. Bởi lúc đó nước ta đang trong thời kỳ cao trào của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, họa phẩm dành cho giảng dạy và học tập đều rất khan hiếm, thậm chí không có. Trong hoàn cảnh đó, khó khăn lại chính là cơ sở tạo tiền đề cho sự sáng tạo. Để thay thế chất liệu gỗ tự nhiên thường được dùng trong chế bản in khắc gỗ rất khó kiếm, Đường Ngọc Cảnh và các đồng nghiệp đã nghĩ ra cách dùng thạch cao - một chất liệu của ngành điêu khắc, để tạo các tấm vật liệu có thể khắc hình lên đó tự như lên bản gỗ. Dần dần kỹ thuật khắc và in bằng ván thạch cao được hoàn thiện hơn và trở thành một chất liệu ưa chuộng thay cho ván gỗ. Sự lớn mạnh và phát triển của tranh khắc thạch cao đã làm thay đổi quan niệm ban đầu, kỹ thuật và chất liệu khắc thạch cao không còn là sự thay thế cho kỹ thuật khắc gỗ nữa, mà nó đã trở thành phương thức mới trong sáng tác tranh in đồ họa vào thập niên 1970. Tranh in từ bản khắc thạch cao được gọi là tranh khắc thạch cao. Từ đó, tranh khắc thạch cao đã có vị trí trong nghệ thuật đồ họa tạo hình Việt Nam và duy danh, định nghĩa thành một dòng tranh riêng biệt, có những đặc điểm về kỹ thuật thể hiện và hiệu quả nghệ thuật độc đáo, khác với tranh khắc gỗ, khắc đồng hay khắc kẽm. Sự sáng tạo và độc đáo của tranh khắc thạch cao chính là những thành quả lao động nghệ thuật và tìm tòi hình thức tạo hình của riêng Đường Ngọc Cảnh. 
Kỹ thuật làm tranh khắc thạch cao không phức tạp nhưng đòi hỏi những lưu ý riêng. Về cơ bản, kỹ thuật chế bản in thạch cao thuộc phương pháp chế bản in nổi, tương tự như chế bản in bằng gỗ hay cao su. Song, điều khác biệt lớn nhất giữa cách chế bản in thạch cao và bản in gỗ hay bản in cao su nằm ở chỗ: phần khắc bỏ đi ở bản thạch cao ít hơn nhiều so với bản in các chất liệu kia. Phần khắc đi chủ yếu là phần nét của hình in trên tranh sau này. Trong khi đó ở bản gỗ và cao su, phần khắc đi là phần không được thể hiện trên tranh. 
Việc khắc bản in thạch cao khác với loại tranh khắc khác vì chất liệu này bở, xốp và dễ gãy vỡ, không tạo được những nét nổi nhỏ, mảnh và chạy dài như ở bản khắc gỗ. Sau khi có tấm thạch cao, họa sĩ đưa hình cần khắc lên bề mặt nó rồi dùng các loại dao khắc gỗ, chủ yếu là dao có mũi hình chữ V, hình lòng máng, mũi vát như dao trổ, để xúc bỏ những phần sẽ tạo nét cho hình trong tranh. Do tính chất của thạch cao là mềm, dễ vỡ, nứt nên các chi tiết nhỏ của hình thường được lược bỏ trong quá trình khắc hoặc họa sỹ chủ động lược bỏ ngay khi phác thảo tranh. Yếu tố này đã góp phần quyết định đặc điểm hình thể khái quát,  giản lược với những nét viền to đậm trong tranh khắc thạch cao. 

Chất liệu dùng để in tranh khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là bột màu hòa nhuyễn với hồ nếp. Chính hỗn hợp màu này đã góp phần tạo nên nhiều sắc thái khác nhau cho tác phẩm của ông. Hơn thế nữa, nó tạo hiệu quả bề mặt của tranh khắc thạch cao xốp mịn gần giống như ở tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ. 

Kỹ thuật in trong tranh khắc thạch cao đặc biệt bởi giấy in và kỹ thuật in chính là phần quyết định tạo thành công và độc đáo cho tác phẩm. Tranh khắc thạch cao được in trên nền giấy đen. Đây là một trong những phương pháp, kỹ thuật in quen thuộc của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh. Nền giấy in được ông tự tạo ra hay do ông sử dụng giấy đen có sẵn trong số giấy hàng mã được sản xuất thủ công. Giấy in được ông chuẩn bị trước, màu đen của giấy thường là màu mực tàu(mực Nho) mài ra và quét lên bề mặt giấy trắng. Ở tác phẩm Hoa chuối được họa sĩ Đường Ngọc Cảnh sáng tác năm 2001 ta có thể thấy được hiệu ứng của màu sắc in trên nền đen tạo thành những chấm điểm nhỏ li ti trên bề mặt tranh. Hay tác phẩm Thài lài tím (sáng tác năm 1970) là một minh chứng rõ cho thấy kỹ thuật in trên nền đen tạo hiệu ứng không gian và những mảng màu sắp xếp theo trình tự mà họa sĩ muốn. Mảng đen trong tác phẩm được để lại khá nhiều, đó chính là nền giấy. Những mảng màu trên nền đen tạo hiệu quả màu sắc một cách đặc biệt và kì diệu.

Nếu như trong tranh khắc gỗ, những mảng màu thường là những mảng được in một hay nhiều lần với cùng một màu sao cho đạt được hiệu quả mà họa sĩ cần. Trong tranh khắc thạch cao của Đường Ngọc Cảnh thì ngược lại, các mảng màu, điểm màu không phải là một màu được in đi in lại nhiều lần mà ở đây là kỹ thuật in chồng màu tức là một mảng màu có thể chồng nhiều lớp màu lên và mỗi lần in là một màu khác nhau. Tính chất của thạch cao là dễ thấm hút màu nên khi họa sĩ muốn tạo được hiệu quả như tả khối và tả chất thì đây là một yếu tố thuận lợi cho họa sĩ diễn tả. Một minh chứng rõ cho điều này là tác phẩm Thài lài tím, việc chồng màu trong tranh được thể hiện ở những mảng màu in trước sót lại trong lần in sau. Ta có thể thấy trên những bông hoa Thài lài việc chồng từ những mảng màu tím đậm cho đến tím nhạt và tím phấn đã tạo nên được cả chất và khối của những bông hoa. Hay những quả đặt phía dưới chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy có sự kết hợp màu sắc qua những lần chồng lớp màu này lên lớp màu khác. Một hình ảnh nữa cũng thể hiện rõ nét những kỹ thuật in chồng màu của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là chiếc bàn và mảnh gỗ đặt dưới giỏ quả. Bằng những quan sát trực diện ta cũng dễ dàng nhận thấy có ít nhất là hai lớp màu sắc được sử dụng để tạo cảm giác thực về hình thể và không gian cho chiếc bàn và mảnh gỗ đó.

Một điều đặc biệt nữa trong kỹ thuật in tranh khắc thạch cao của Đường Ngọc Cảnh là nét. Nét đen trong tranh khắc thạch cao của ông lại chính là phần khắc bỏ đi trên bản thạch cao. Như vậy, có thể gọi đây là kỹ thuật in âm bản. Phần nét đen chính là phần màu nền của giấy in. Tuy vậy, trong tranh tĩnh vật của ông, đôi khi nét đen cũng  được tạo ra giống như in nét trong tranh khắc gỗ - nét nổi dương bản. Nói chung, điểm khác biệt giữa tranh khắc gỗ và tranh khắc thạch cao chính là hiệu quả bề mặt. Ở tranh khắc gỗ, độ xốp hay độ phẳng của mảng màu là do kỹ thuật in nâng lên hay đặt xuống nhiều lần mà có, yếu tố tả chất hay tả khối là dựa vào nét, mảng. Còn tranh khắc thạch cao do bề mặt thường hút màu nhanh nên khi in màu chúng ta thường thấy những chấm màu, điểm màu, đó chính là lợi thế mà họa sĩ có thể lợi dụng để tả khối, tả chất cho sự vật, đối tượng trong tác phẩm cần diễn tả. Tác phẩm Chuồn chuồn và hoa Thủy Trâm sáng tác năm 1999 họa sĩ Đường Ngọc Cảnh đã lợi dụng những lợi thế trong tính chất của bản thạch cao tạo ra những điểm chấm đen do quá trình hút màu nhanh của thach cao tạo ra. Những điểm chấm này là một cách tạo chất, tạo cảm giác mặt nước phẳng lặng. Gợi không gian cho tác phẩm như những bông hoa Thủy Trâm đang ngâm mình trong nước và mảng tối (mảng đen) kia chính là chiếc lá núp dưới những bông hoa đang vươn mình dưới ánh sáng. Phía trên là ba chú chuồn chuồn đang nằm ngủ trưa hay phơi mình dưới nắng. Những chấm đen còn sót lại sau khi in màu trên những cánh hoa, trên những cánh chuốn chuồn tạo một sự đồng đều và gợi cho người xem một sự hòa nhập, đan lẫn vào nhau như một yếu tố xuyên suốt tác phẩm. Như vậy, tranh khắc thạch cao với những lợi thế riêng của mình lại đem đến cho người xem những cảm xúc mới và cảm nhận riêng. Chính vì nguyên nhân đó mà sau mỗi lần in chúng ta lại thu được những hiệu ứng màu sắc, độ xốp, độ nét của hình khác nhau. Vì vậy mà tính độc đáo của mỗi bản in tranh khắc thạch cao cũng cao hơn so với các thể loại tranh khắc khác.
 
Sự độc đáo và sáng tạo trong sử dụng màu sắc
Màu sắc trong tranh của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh thường tươi sáng, rực rỡ. Phối sắc trong tranh của ông rất đa dạng, trong trẻo nhưng cũng rất đằm thắm. Đặc biệt, ông sử dụng những màu sắc mạnh mẽ, nguyên sắc và mang tính bổ túc cho nhau như đỏ, lam, vàng, ... để in trên giấy màu đen một cách duyên dáng và tinh tế. Có thể nói, ông cũng là họa sỹ đồ họa đầu tiên ở nước ta in tranh trên nền giấy đen. Bởi vậy, trong quá trình in ấn tranh khắc thạch cao, hiệu quả của hòa sắc màu đều chịu tác động của màu nền giấy in. Màu đen của nền giấy trung hòa các màu sắc đối lập trên tranh. Do vậy mà họa sĩ có thể dùng nhiều màu mạnh và nguyên sắc thì cũng không đem lại cho người xem cảm giác đối chọi và tức mắt. Điều đó đã làm nên đặc thù và là thế mạnh của tranh khắc thạch cao mà họa sĩ đã dày công theo đuổi và nghiên cứu. Hơn thế nữa, kĩ thuật in chồng màu trong các tác phẩm của ông cũng tạo cho người xem những hòa sắc riêng và độc đáo. Tác phẩm Dạ Hương, được họa sĩ Đường Ngọc Cảnh sáng tác năm 1997, đã đem lại cho người xem một cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng của đêm trăng thông qua màu sắc. Vẫn là những gam màu nguyên chất như đỏ, vàng, trắng, xanh nhưng khi in trên nền giấy màu đen đã đem lại một sự hòa sắc thú vị. Nhìn vào tác phẩm, chúng ta có thể thấy được sự trong trẻo, đằm thắm của màu sắc, sự khúc chiết của hình thể. Đồng thời, lối in âm bản tạo ra những chấm đen nhỏ li ti trên mảng màu đã góp phần tạo thêm chất cảm dung dị và đưa đến cho người xem những liên tưởng và cảm nhận về một đêm trăng thanh, gió mát hiền hòa.
    Màu sắc trong các tác phẩm của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh có sự chuyển đổi nhẹ nhàng, êm đềm. Các màu nguyên chất in chồng lên nhau dưới sự tính toán của họa sĩ nhưng hiệu quả của sự kết hợp này lại luôn vô cùng bất ngờ. Tác phẩm Quả phật thủ, được họa sĩ Đường Ngọc Cảnh sáng tác năm 2000 là sự sắp xếp bố cục của những trái phật thủ và tràng hạt trên mặt bàn. Màu sắc của những trái phật thủ chuyển dần êm ái tạo thành khối cho từng trái. Bên cạnh đó, màu sắc của chiếc bàn cũng được chuyển dần tạo cho người xem cảm giác được không gian mặt bàn. Màu sắc chuyển đổi cũng định hướng cho người xem về ánh sáng trong tác phẩm. Mặc dù hình ảnh chiếc bàn được tạo hình theo hướng nhìn từ phía sau của khay bồng phật thủ nhưng hướng ánh sáng vẫn được họa sĩ hướng theo một chiều nhất định. Vẫn là những màu nguyên chất in chồng lên nhau nhưng trong tác phẩm này, họa sĩ đã đem lại cho người xem một cảm giác mới lạ và vô cùng thú vị. Một cảm giác về không gian, về ánh sáng và đặc biệt là cảm giác về hương thơm từ bên trong tác phẩm.
Như vậy, màu sắc không chỉ là phương tiện tạo nên sự thành công cho tác phẩm mà còn là phương tiện để tác phẩm có tiếng nói riêng. Không những vậy, thông qua màu sắc mà họa sĩ Đường Ngọc Cảnh thể hiện, người xem có thể phần nào hiểu hơn về tâm trạng của ông khi sáng tác tác phẩm. Chẳng hạn như tác phẩm Dạ Hương, màu sắc thể hiện một tâm trạng thanh bình, nhẹ nhàng mà sâu lắng của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh. 
Cách in màu chuyển sắc trên mỗi đối tượng trong tranh tĩnh vật của ông được xem là mới mẻ trong bối cảnh sáng tác tranh đồ họa ở Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ XX. Với cách sử dụng lối chuyển sắc trong mỗi mảng màu, ông đã tạo cho hình tượng trong tranh có khối và ánh sáng, sự hấp dẫn thị giác lạ mắt và tổng thể là sự tinh tế của tác phẩm. Lối in mảng màu chuyển sắc như vậy cho thấy ông đã ít nhiều tham khảo tranh khắc gỗ màu của Nhật Bản. Khi cách sử dụng màu này áp dụng cho những hình thể được bao viền bởi những nét đen to khỏe, chân chất kiểu như ở tranh dân gian Đông Hồ thì đã tạo ra một thẩm mỹ mới, trong đó các yếu tố tạo hình dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn với những tinh hoa mỹ thuật Phương Tây (ở tạo hình hình thể) và Nhật Bản (ở màu sắc).
Kết luận
Qua các sáng tác tranh tĩnh vật bằng chất liệu khắc thạch cao, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khác nhau khi chiêm ngưỡng tác phẩm. Đôi khi là cảm giác man mác buồn của khoảnh khắc giao mùa, là cảm giác tươi vui của những ngày xuân năm mới, là cái sự no đủ, ấm áp và hạnh phúc, là bình yên cuộc sống... Với kỹ thuật điêu luyện của mình, ông đã “sai khiến” chất liệu khắc thạch cao biểu đạt được cái ý tưởng nghệ thuật và cái tình cảm của mình. Ông đã thể hiện cả sự rắn chắc, sự mềm mỏng nhẹ nhàng, cái rực rỡ, lung linh và cái sâu thẳm của màu sắc, đường nét trong tranh tĩnh vật bằng chất liệu khắc thạch cao. Với những đóng góp sáng tạo và độc đáo ở mảng tranh khắc thạch cao về chủ đề tĩnh vật, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh đã được trao giải thưởng cao quý - Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 - năm 2001 (cho các tranh tĩnh vật khắc thạch cao như: Lá bàng mùa Thu (1994), Hoa chuối rừng (1995), Hoa Ti gôn (1998), Hoa Lan Ý (1998)./.
Tài liệu tham khảo:
1.    Bộ Văn hóa Thông tin - Hội Mỹ thuật Việt Nam (2005), Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2001 - 2005.
2.    Phạm Đức Hiệp (2007), Tranh khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh, khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
3.    Triệu Thế Hùng (2012), “Tranh khắc thạch cao, sự sáng tạo độc đáo”, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 333, tháng 03 năm 2012. 
4.    Trần Ngọc Vân (2016), “Vài cảm nhận về cái động trong một số tranh tĩnh vật ở Việt Nam”, Thông tin Mỹ thuật, số 13 - 14 tháng 12 năm 2016, trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
5.    http:// www.vnprintmaking.com, Phan Hải Bằng/ Sơ lược về sự phát triển của đồ họa tranh in Việt Nam/2013.
6.    http://www.vietnamfinear t. c o m . v n / S t o r y / C a c t a c g i a _ tacpham/2013/11/3777.html.
Đỗ Thu Hằng

Các tin khác

Một Nguyễn Đỗ Cung tài năng - nhân cách

Một Nguyễn Đỗ Cung tài năng - nhân cách

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát ...
Hóa Thân 241 - Metamorphosis 241

Hóa Thân 241 - Metamorphosis 241

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát ...
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm Cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm Cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát ...
Triển lãm Khải sinh

Triển lãm Khải sinh

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát ...
Vọng sơn của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương

Vọng sơn của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là họa sỹ đồ họa nổi tiếng với thể loại tranh khắc thạch cao. Ông được biết đến bởi những đóng góp đáng kể cho sự phát ...

Các số đã xuất bản

Số 3 (2025)

Số 3 (2025)

Đã xuất bản: 04/2025
Số 2 (2024)

Số 2 (2024)

Đã xuất bản: 02/2025
Số 1 (2024)

Số 1 (2024)

Đã xuất bản: 10/2024
Số 3 (2016)

Số 3 (2016)

Đã xuất bản: 11/2024
Số 1 (2017)

Số 1 (2017)

Đã xuất bản: 11/2024