Là tên cuộc Triển lãm cá nhân của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm (sn.1977), giảng viên khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam diễn ra từ ngày 07/12 đến hết 31/12/2024 tại Hanoi Studio Gallery,
23-25 Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
Hóa Thân 241 là một lời tự vấn về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người – nơi sáng tạo nghệ thuật trở thành phương tiện để kết nối, để chiêm nghiệm và tái sinh. Tâm điểm của triển lãm là hình tượng cây – biểu tượng của sự sống, sự kết nối và hành trình biến đổi không ngừng, là kim loại – là bàn tay mang hơi thở của một thời kỳ công nghiệp, là hình khối điêu khắc pha trộn với chạm nổi, chạm lộng, và các yếu tố trung gian như dây kim loại hay vô dạng như ánh sáng.
Nguyễn Ngọc Lâm là một nhà điêu khắc sử dụng vật liệu đa dạng. Anh từng thể nghiệm sáng tác trên gỗ, sắt, kính, gốm, hoặc riêng lẻ, hoặc phối hợp trong cùng một bộ tác phẩm, nổi trội nhất là chủ đề Cây hay Nhà cây – vật thể mang những giá trị biểu tượng và là nguồn cảm hứng mãnh liệt, một chỉ dấu nhận diện của Nguyễn Ngọc Lâm.

1.Nguyễn Ngọc Lâm, Hóa thân, gỗ inox, kích thước 200x580x200cm
Triển lãm Khải sinh
Chiều ngày mùng 5 tháng12 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Khải sinh của nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp (sn.1982)- giảng viên khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm gốm, là loạt tạo hình mới, tượng trưng cho một khởi đầu đầy hy vọng và khát khao vào sự sống, sự sinh sôi phát triển của Hoàng Mai Thiệp. Các tác phẩm thể hiện ý tưởng, cấu trúc, kỹ thuật mới lạ, cùng sự kiên trì, khéo léo của người nghệ sĩ được hình thành trong khoảng 3 năm.
Cơn say gốm của Hoàng Mai Thiệp được thể hiện qua hang loạt tác phẩm lần triển lãm cá nhân đầu tiên này. Tác giả cho biết, sau những chất liệu như kim loại, đá, gỗ… đến gốm, anh mới có được trải nghiệm chinh phục chất liệu này như một cô nàng mong manh, đỏng đảnh và khó chiều. Điều này được anh lý giải: Nếu sử dụng các chất liệu khác, làm đến đâu, được đến đấy, thì với gốm, bạn có thể gặp sự cố ngay từ khi tạo hình. Gốm - trong lúc di chuyển, cho vào lò hoặc thậm chi cả khi ra lò, vẫn chưa hết những rủi ro. Thế nên, để thực hiện triển lãm này, có những tác phẩm khiến Hoàng Mai Thiệp phải làm đi làm lại đến vài lần. Còn nữa, chất liệu gốm cũng có hạn chế khi muốn thực hiện những tác phẩm có kích thước lớn, vì nung phải phụ thuộc vào kích thước lò, nhiệt độ, men và cả người đốt. Ví dụ như khi thực hiện một tác phẩm điêu khắc gốm lớn nhất được trưng bày trong triển lãm này, anh đã phải chia phần tạo hình thành từng thớt để nung. Sau đó, mới xếp chồng các thớt lên nhau để tạo hình tác phẩm.
"Rủi ro là đặc trưng của chất liệu này và cũng làm nhân tố tạo ra sự thú vị. Chỉ có điều, càng làm về gốm tôi càng nghiện hơn khi chất liệu này cho tôi nhiều cảm xúc trong quá trình tạo hình. Tôi đã tiếp xúc và ấn tượng với gốm từ thời sinh viên, nhưng phải đến khi tham gia workshop gốm Tết tại Bát Tràng Ceramic Art Spase của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ năm 2020, tôi mới thật sự bị cuốn hút bởi gốm. Từ đây, tôi theo đuổi, say và yêu gốm luôn" - Hoàng Mai Thiệp tâm sự.
Anh lý giải thêm: "Đó là bởi mỗi khi làm hỏng, tôi lại được học từ cái hỏng nhiều hơn, tôi có cơ hội làm cái mới tốt hơn. Nhiều khi gặp phải tình huống với những tác còn đang trên đường bê vào lò nhưng do mải sửa nên rơi. Khi đó, tác phẩm đã hoàn thành luôn sứ mệnh dù chưa thành hình hài, còn mình thì cứ đứng tẩn ngần mãi không thôi - gốm đã hấp dẫn và cuốn hút tôi như thế".
Với những gì Hoàng Mai Thiệp chia sẻ, có thể mượn lời giám tuyển - họa sĩ Vũ Hồng Nguyên "đúc kết" về anh: "Tố chất với gốm và điêu khắc gốm dường như đã có sẵn trong cơ địa con người Thiệp, chỉ chờ một cơ duyên bật nút nguồn khởi động để bộc ra "cơn say".
Theo giám tuyển Vũ Hồng Nguyên, mặc dù nhiều thế hệ nghệ sĩ đã sáng tác nghiên cứu rồi thử nghiệm chất liệu gốm trong điêu khắc, số lượng tác giả điêu khắc gốm đương đại vẫn không đếm hết một bàn tay. Hơn nữa, điêu khắc gốm với kích thước lớn rất khan hiếm trong bối cảnh môi trường nghệ thuật đương đại. Do đó, bộ tác phẩm Khải sinh đã thành công khi khẳng định rõ nét tài năng của một tác giả điêu khắc gốm xuất sắc, góp phần làm vững mạnh và phong phú thêm cho điêu khắc gốm Việt Nam đương đại, tác phẩm với kích thước ngoại cỡ cũng là một thách thức với người nghệ sĩ khát khao chinh phục những điểm ngưỡng của chất liệu gốm. Đặc biệt, màu men đen xám ánh kim loại khác biệt là thành quả của quá trình nghiên cứu và thử nghiệm đạt được dấu ấn riêng, khiến người xem phải tán thán và đặt câu hỏi về chất liệu gốm trong điêu khắc mà họ đang chiêm ngưỡng. Triển lãm kéo dài đến 15 tháng 12 năm 2024.

Hoàng Mai Thiệp, Khải sinh1, kích thước 210x55x45cm
3.Hoàng Mai Thiệp, Khải Sinh, kích thước 45x43x22cm
Vọng sơn của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương
Lê Lạng Lương (sn.1974) là giảng viên Khoa Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam với "Trùng điệp" núi của Lê Lạng Lương. Cũng là 30 tác phẩm điêu khắc, nhưng Vọng sơn của Lê Lạng Lương được thực hiện trên chất liệu đồng, nhôm, sơn đắp... Đây là triển lãm được anh thực hiện sau gần một thập niên ấp ủ, theo đuổi.
Vọng Sơn giới thiệu gần 30 tác phẩm được NĐK Lê Lạng Lương thực hiện bằng chất liệu: đồng, nhôm, sơn đắp trong gần một thập kỷ suy tưởng, kiên trì, âm thầm, lặng lẽ, yêu mê công việc. Lê Lạng Lương nhìn núi rừng bằng cái nhìn mới, đi sâu vào bản chất của sự giản lược. Nhìn ngắm tác phẩm của anh, người thưởng lãm không bị giới hạn trong ý tưởng của tác giả. Mọi cái nhìn thấy chỉ như gợi hình gợi ý, để người xem tự do suy tưởng trong kho tàng ký ức của riêng mình.
Bộ tác phẩm Vọng sơn mang tinh thần của người đẽo mây, chuyển núi, uốn khí, nắn rừng, đưa tinh thần và tình cảm cao nguyên hùng vĩ, núi đồi thâm sâu, đại ngàn tịch mịch về nơi chốn ồn ào đô thị. Với cấu trúc phong phú về hướng, dáng, hình chuyển động linh hoạt, các tác phẩm thể hiện tình yêu kính thiên nhiên bền chặt và sâu sắc, anh muốn chia sẻ thông điệp về hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc từ những điều giản đơn, gần gũi.
Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương miêu tả các tác phẩm điêu khắc của mình là những khối tự do của vật chất khi dễ thấy như núi, như cây, khi khó nắm bắt như mây, như sương, như gió; những cảm giác căng chùng của bước chân bập bênh men rượu lúc chiều tà… không gian núi là vậy, mạch nguồn miền núi - nơi anh sinh ra đã khởi tạo cảm hứng sáng tạo cho anh trong triển lãm này. Anh viết: "Cái riêng lẻ, cái chung, cái tách, cái hợp luôn thay đổi, đảo chiều, hoán vị cho nhau, cái tĩnh và động, cái thực và ảo cũng đổi ngôi trong sự dịch chuyển không ngừng của không gian, thời gian và khí tiết. Tất cả những hình thái mơ hồ, khó nắm bắt tạo nên "cơ thể" tác phẩm như trạng thái của cái "mơ thấy", "cảm thấy". "Môi sinh miền núi chính là mạch nguồn cảm xúc cho tôi, khiến tôi muốn chia sẻ những cảm nhận, cảm nghĩ của mình khi đứng trong không gian của núi. Mỗi tác phẩm trong triển lãm này là một câu chuyện riêng, nhưng kết nối bằng sự cảm nhận cá nhân của tôi - những cảm nhận cá nhân khi sinh ra từ môi sinh miền núi “, “Qua đây, thông điệp của tôi là khi hòa mình vào không gian của thiên nhiên, mình nhìn cuộc sống, có thể tìm đến hạnh phúc từ ngay trong sự đơn giản và đơn sơ nhất. Hạnh phúc giản đơn đôi khi không nằm ở nơi phồn hoa quá căng thẳng mà có thể ở nhiều nơi khác, giúp ta có thể thay đổi cảm giác và cảm nhận hạnh phúc của sự sống xung quanh chúng ta".
Triển lãm cá nhân lần này của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương thực sự là cách sắp đặt và trình bày đầy sáng tạo, không chỉ gây ấn tượng bởi nội dung tác phẩm, mà còn bởi cách sắp đặt và trình bày đầy sáng tạo. Không gian của Vọng sơn được thiết kế như một hành trình qua núi rừng, kết hợp với ánh sáng tạo hiệu ứng liền mạch, hòa quện âm nhạc dẫn lối người xem qua những góc nhìn mới lạ. Lê Lạng Lương mang đến sự kết hợp giữa cảm xúc và không gian, tạo nên hiệu ứng liền mạch cho người xem. Triển lãm này không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là hành trình khám phá bản thể của mỗi nghệ sĩ.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cho rằng: Với Lê Lạng Lương, sau khi "nhảy" qua nhiều trạng thái và phong cách thì hy vọng đến giờ này, nhà điêu khắc đã tìm được ngôn ngữ riêng trong hệ thống mình đang đi. Đó là sự định vị của bản thân Lê Lạng Lương trong nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của anh. Những gì anh làm bây giờ, vượt qua cái nhìn thấy, cái định hình của anh khi giải quyết được tâm khảm đời sống nội tâm, cách đặt vấn đề nên anh được cả khối, cả hình cả ý tưởng và ý niệm"
Triển lẽm kéo dài từ ngày 5 tháng 12 đến hết ngày 15 tháng 12 năm 2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Nà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Anh sẽ còn đi xa trong những tác phẩm của mình. Chúc cho tác giả thành công trên con đường nghệ thuật nhiều chông gai và vất vả với sự kiên trì và bền bỉ của bản thân.

Lê Lạng Lương, Chư Đăng Ya, sơn đắp, Kích thước 235x90x90cm
và Núi đỏ, sơn đắp, kích thước 210x120x90cm
N.L