nghiên cứu - trao đổi

Đôi điều tâm sự: Bên lề mỹ thuật Huế cổ truyền

13:10 | 18/11/2024
81 lượt xem
Tải bài viết
Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Tóm tắt: Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà. Điều cơ bản là tìm và bồi dưỡng những người có năng khiếu bẩm sinh, duy trì và phát triển năng lực đó đồng thời với việc giáo dục nhân cách nghệ sĩ, để hy vọng tiến dần tới có phong cách nghệ thuật riêng. Nói cách khác là xây dựng dần cá tính nghệ thuật, đậm nhân cách. Nhà trường có thầy giỏi thì mới có trò hay. Bước đầu thầy cần định hướng, truyền bá các kiến thức cơ bản của giáo trình với nhiều sự “méo mó” của nghề nghiệp để sinh viên, học viên có được những nhận thức đầy đủ và cảm hứng cao. Nhờ đó góp phần nâng cao năng khiếu nghệ thuật của người học. Chúng tôi hy vọng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sớm đi đầu trong công việc này, để thực hành mỹ thuật sẽ từ cái đầu minh triết dẫn dắt cái tay trong tiến trình sáng tạo mỹ thuật.  
Từ khóa: năng khiếu, năng lực, cá tính, nhân cách, minh triết, sáng tạo.
Tôi vốn không phải và không thể là một nghệ sĩ, càng không phải là một họa sĩ hay nhà điêu khắc. Tôi không thể bàn tới những lý luận chính thống hay cận chính thống của mỹ thuật hiện/ đương đại. Song, những va đập của số phận đã xô đẩy tôi tiếp cận với mỹ thuật ở một chiều hướng khác: Con đường nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống của ông cha. Với chiều hướng này, tôi buộc phải quan tâm tới rất nhiều mặt của một người nghiên cứu (có vẻ như đa năng) với những phương pháp tân cổ giao duyên, rồi liên ngành, đa ngành, xuyên ngành… Tôi phải tiếp cận cả với nghệ thuật, kỹ thuật, ứng dụng… và cả tôn giáo, tín ngưỡng liên quan. Cùng một đôi người bạn đã khuất, chúng tôi bước vào con đường không lối mòn lại lắm chông gai để tìm ra ít nhất một cửa mở cho cuộc trường chinh, tạm coi là trí tuệ này. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời phê phán hơn động viên của nhiều nhà nghiên cứu lớn, mệnh danh là đồng nghiệp. Một lần, may mắn được tiếp cận với một tài liệu kiến trúc Phật giáo, trong đó đã chỉ ra: có tới “tám vạn bốn ngàn” pháp môn ở ngoài đời dẫn tới Tam Quan, để rồi qua “nhất chính đạo” mà vào cõi Phật. Vậy thì, cũng có thể có nhiều con đường để tiếp cận với giá trị “hình nhi thượng” của mỹ thuật. May mắn tôi được tiếp xúc với sự chỉ dạy của nhiều bậc trưởng thượng minh triết tiền bối, và điều lạ là các vị rất thích xem những gì chúng tôi sưu tầm được, đồng thời chăm chú nghe chúng tôi giải mã về giá trị biểu tượng. Rồi sau đó dần dần có một số nhà điêu khắc làm tượng đài, tượng thờ về các anh hùng dân tộc và anh hùng văn hóa đã gọi chúng tôi để hỏi vài chi tiết cho tượng… Đó là cửa mở cho tôi bước vào một vài hội đồng tượng đài ở nơi này, nơi khác. Phải nói rằng trong mối quan hệ đó, tôi học được rất nhiều. Cụ thể, cách nay tới 25 năm, tôi nghe người ta nói (khi tiếp cận gốm thời Mạc): “Đây là kiểu gốm thương mại”. Lúc đó, tôi hỏi họa sĩ Trần Khánh Chương, ông bảo rằng: gốm (lớn) thời Mạc, có thể chia làm nhiều bộ phận rời nhau, để tránh vỡ, dễ đóng gói, dễ sản xuất hàng loạt và vận chuyển đi xa, nó có tính chất hàng hóa. Chỉ một phút trao đổi đó, về sau, tôi hiểu sâu hơn về Quan Âm Nam Hải, về sự thất bại của nhà MẠC và một số vấn đề khác. Cũng thời này, vai trò của cá nhân như bắt đầu được quan tâm, có chỗ đứng trong xã hội hơn. Phải chăng hệ quả của một phương pháp nghiên cứu đa chiều đã cho chúng ta một nhận thức đa năng rút ra từ những sự kiện tưởng như đơn giản.
Đôi điều tản mạn như nêu trên, tôi không mong áp đặt “một con đường đi” duy nhất cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và nhất là các thầy cô trong công việc đào tạo, mà chỉ mong đó là một trong những cách suy nghĩ để vượt ra ngoài (không phải là bỏ) sự ràng buộc của con đường mòn như muôn thuở luôn níu kéo người ta vào giáo điều. Và, ở đây, xin lạm bàn đôi nét về Trí Tuệ. Người xưa đã từng nói: “phi trí bất hưng” mà một nghĩa cơ bản là hiểu biết. Song, ở một mặt nào đó, thì “hiểu” mới là cái cơ bản trong cơ bản. Chúng ta thường hay nói tới “hình thể”, có thể tạm nghĩ “hình” là cái mà ta có thể nhận biết bằng năng lực của giác quan, còn (bản) “thể” là cái ta nhận biết bằng trí tuệ. Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã từng chỉ ra: Nghệ thuật không chỉ là cái ta nhìn thấy bằng mắt, mà (còn) là cái ta tâm tưởng. Theo tôi, câu này đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong đạo Phật cũng đã từng nói tới nhìn sự vật, sự kiện ở thế gian với Tuệ nhãn (nhìn bằng năng lực của trí tuệ) hay Thiên nhãn (nhìn bằng năng lực siêu phàm). Rồi, có một buổi may mắn, tôi được ngồi hầu chuyện với họa sĩ Trần Văn Cẩn và họa sĩ Sĩ Tốt ở Tây Nguyên, dù cho ký ức đã mờ phai nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ Ông nói về vẻ đẹp nguyên sơ trong sự thổn thức của núi rừng. Tôi chỉ thấy những bản hùng ca bằng hình và ảnh qua nhiều tộc người thiểu số - không một câu nói về mình. Và, sau này tôi đã hiểu, với một nhân cách lớn, họa sĩ Trần Văn Cẩn như đã tan/hòa vào không gian bao la để “thiên nhân đồng nhất thể”. Từ đó, tôi coi ông như người thầy, dù tôi chưa từng được học ông một buổi chính thức nào. Ông như đã dạy tôi: đã là kẻ sĩ thì phải có học, có trí tuệ, và phải tiêu hóa được cái học đó. Còn không, dù mang danh nghệ sĩ nhưng thực chất chỉ là nghệ nhân ít năng lực sáng tạo thôi.

Trở lại với vấn đề đào tạo, tôi biết việc đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể theo cách đại trà, mà một điều cơ bản là tìm và bồi dưỡng những người có năng khiếu bẩm sinh (đặc biệt là năng khiếu thiên bẩm, một manh nha của cá tính trong nghệ thuật); duy trì và phát triển năng lực đó, đồng thời với việc giáo dục về nhân cách nghệ sĩ, để mong tiến dần tới có một phong cách nghệ thuật riêng; tránh tình trạng chưa thành tài đã thành tật, yêu thích danh xưng nghệ sĩ hơn công việc của nghệ sĩ. Bởi nghệ sĩ là người không chấp nhận cá nhân chủ nghĩa với những tính xấu của nó, mà chủ yếu chỉ xây dựng dần cá tính nghệ thuật, đậm nhân cách…
Bước vào cái nghiệp nghệ thuật là “tiếp cận” với sự cảm thụ và sáng tạo của nghệ thuật thị giác. Một sự tiếp xúc ban đầu trước một tác phẩm, người ta khó có thể nhận ra ngay tố chất nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ của đối tượng nếu không được đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực hiểu biết về nghệ thuật trên nền tảng khoa học. Như vậy, đào tạo những nhà mỹ thuật tương lai cần phải chú ý đặc biệt tới tính đặc thù, riêng biệt của nó mới mong có người nghệ sĩ tài năng đích thực.
Tổ tiên ta đã từng dạy: không thầy đố mày làm nên. Thầy có giỏi thì trò mới hay. Bước đầu, thầy cần định hướng, truyền bá các kiến thức cơ bản, những điểm nhấn/ trọng tâm của giáo trình với nhiều sự “méo mó” của nghề nghiệp để người đi học có được những nhận thức đầy đủ và sự cảm hứng cao. Tôi chỉ là người truyền dạy chuyên đề, nên khó có thể trình bày được đầy đủ về vấn đề này. Song, tôi nhận thấy, với một kiến thức uyên tâm, say mê trong truyền đạt về giá trị nghệ thuật, thì chắc chắn người thầy không chỉ dừng lại ở trách nhiệm đơn thuần là truyền bá kiến thức, mà còn truyền bá cả sự say mê, một bệ đỡ sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên trong tương lai. Đặc biệt, nhờ đó đã góp phần phát triển năng khiếu nghệ thuật của học viên.
Suy cho cùng, đào tạo bồi dưỡng tài năng mỹ thuật trong các trường đại học, nhất là đối với Đại học Mỹ thuật, thì rõ ràng đó là một trong những yêu cầu sống còn của mỗi trường, ở một khía cạnh học thuật cụ thể, cần dạy cho học viên (kể cả nghiên cứu lẫn sáng tác) cách ứng xử với đối tượng tiếp cận, hoặc sáng tác bằng trí tuệ, phải hiểu nó cả về “hình” lẫn “thể”, biết rõ nó là cái gì - nó như thế nào - nó phản ánh vấn đề gì - sự tồn tại của nó để làm gì, cho ai? Và, có thể tóm lại bằng ba chữ: Hiển - Mật - Dụng. Tạm hiểu, Hiển là cái mà ta thấy được bằng giác quan, tạo cho cái ta cảm thức nghệ thuật đầu tiên. Mật là ý nghĩa (sâu xa) ẩn sau cái hình, là cái (bản) thể, có tính cốt lõi của tác phẩm. Phần nhiều nó mang tính trừu tượng, có tác dụng nâng tầm cho người nghệ sĩ (đây là tính trừu tượng đầy chất trí tuệ, bởi đó là kết quả của sự “quằn quại” nghệ thuật, vì người xưa đã từng nói: chừng nào biết bước vào cõi trừu tượng, thì chừng đó mới biết chắp cánh bay cao). Dụng là sử dụng, ứng dụng, có nghĩa tác phẩm được tạo ra có tác dụng như thế nào với chính tác giả, với người xem, cao hơn là nó phản ánh sự kiện gì thuộc lịch sử, xã hội…
Nhìn chung, văn hóa - nghệ thuật thường có giao lưu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Song, người có nhân cách có bản lĩnh trí tuệ, thì quyết không thể là cái đuôi của người khác, mà đã là đuôi thì không thể là cái đầu. Nghệ thuật Việt cần phải mang phong cách Việt và vì người Việt trước đã.
Vào năm 1978 - 1979, khi đăng bài “Huế, mỹ thuật Nguyễn, những cái riêng”, tôi được coi như một trong những người của chế độ mới viết bài ca tụng mỹ thuật Huế sớm nhất. Rồi sau đó đã tiếp tục với một số bài khác. Tác dụng của các bài này, chủ quan tôi cho là tạm được, nhưng chủ yếu nội dung của nó chỉ tập trung nói tới “hình”, còn ít đề cập tới “thể”. Đến nay, tôi vẫn chờ, chẳng biết đến bao giờ mới có tập tài liệu mang tính hệ thống, giải mã về các vấn đề liên quan tới mỹ thuật của mảnh đất này, như: 
-    Thực sự đã có một nền mỹ thuật cung đình ở Huế, hay chỉ là nền mỹ thuật phục vụ cung đình. Nếu có thì cụ thể là cái gì thuộc riêng cung đình?
-    Ý nghĩa triết học của kiến trúc tiêu biểu (các tầng mái, kết cấu…)?
-    Tính chất “điêu khắc” của các cổng xây và một số biểu tượng liên quan?
-    Cửu đỉnh quay về hướng nào? Hình nhiều cây um tùm tươi tốt ở Cửu đỉnh lại như cố tình có những cành khô, đề tài này mang ý nghĩa gì?
-    Trang trí thành ràng và ô học bắt nguồn từ đâu?
-    Nhiều đề tài trang trí được làm riêng rồi dán lên nền chạm khác, đã phản ánh điều gì của lịch sử…?
Chúng ta còn có thể tìm ra được rất nhiều câu hỏi khác nữa. 
-    Chúng tôi hy vọng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ sớm đi đầu trong công việc giải đáp này, để việc thực hành mỹ thuật sẽ từng cái đầu minh triết dẫn dắt cái tay.
Trần Lâm Biền

Các tin khác

Bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Những giá trị, đóng góp đối với việc nghiên cứu và sáng tác tranh lụa hiện nay

Bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Những giá trị, đóng góp đối với việc nghiên cứu và sáng tác tranh lụa hiện nay

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Lễ ra mắt Tạp chí nghiên cứu Mỹ thuật

Lễ ra mắt Tạp chí nghiên cứu Mỹ thuật

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Pho tượng đồng nữ thần DURGA mới được hồi hương

Pho tượng đồng nữ thần DURGA mới được hồi hương

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Nghệ thuật chữ trong thiết kế đồ họa truyền thông hiện đại

Nghệ thuật chữ trong thiết kế đồ họa truyền thông hiện đại

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Triển lãm mỹ thuật hòa sắc 20-11

Triển lãm mỹ thuật hòa sắc 20-11

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Tượng phật thời Lý - Trần qua thư tịch góp phần giám định tên gọi 

Tượng phật thời Lý - Trần qua thư tịch góp phần giám định tên gọi 

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Sự tác động của sáng tác đồ họa đến đào tạo đồ họa tạo hình ở Việt Nam những năm gần đây

Sự tác động của sáng tác đồ họa đến đào tạo đồ họa tạo hình ở Việt Nam những năm gần đây

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
ÂM VỌNG TỪ CỬU ĐỈNH TRIỀU NGUYỄN ĐẾN SÁNG TẠO ĐƯƠNG ĐẠI

ÂM VỌNG TỪ CỬU ĐỈNH TRIỀU NGUYỄN ĐẾN SÁNG TẠO ĐƯƠNG ĐẠI

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.
Kỷ niệm 80 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925 - 2005

Kỷ niệm 80 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925 - 2005

Bài viết mong muốn hướng tới vấn đề đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không thể đại trà.

Các số đã xuất bản

Số 3 (2025)

Số 3 (2025)

Đã xuất bản: 04/2025
Số 2 (2024)

Số 2 (2024)

Đã xuất bản: 02/2025
Số 1 (2024)

Số 1 (2024)

Đã xuất bản: 10/2024
Số 3 (2016)

Số 3 (2016)

Đã xuất bản: 11/2024
Số 1 (2017)

Số 1 (2017)

Đã xuất bản: 11/2024