Pho tượng Durga bằng đồng mới hồi hương - Bảo tàng lịch sử quốc gia
Dù đã biết đến từ nhiều tháng nay qua các kênh thông tin khác nhau1, nhưng chỉ khi đã được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tôi mới được nhìn tận mắt và sờ tận tay pho tượng đồng Durga vô cùng quý hiếm và cổ xưa này của Champa. Ngay trong lần đầu được tiếp xúc trực tiếp và phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức vào ngày 24 tháng 6 năm 2024; bằng những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình, tôi đã khẳng định chắc chắn đây là pho tượng Durga thế kỷ VII của Champa. Hơn hai tháng sau, sáng 28 tháng 8 vừa qua, cũng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tôi lại một lần nữa được thấy trực tiếp pho tượng tại Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng nữ thần Durga. Khác với lần trước, lần này, do được trưng bày trang trọng và rất chuyên môn trong một không gian thoáng và rộng, tôi được quan sát cùng lúc kỹ hơn và chi tiết hơn toàn bộ pho tượng. Có thể nói, nhờ lần tiếp xúc và chiêm ngưỡng trực tiếp kỹ càng, chi tiết và tổng thể tại Lễ công bố này, tôi càng nhận thấy sâu sắc hơn và cụ thể hơn về những cảm nhận của mình về pho tượng đồng Durga tuyệt vời này.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhánh thờ thần Siva (Saivism) của đạo Hindu luôn luôn là dòng tôn giáo chính thống của vương quốc Champa, cho nên ngoài Siva thì Durga là vợ của ngài không chỉ được nhắc tới trong nhiều bia ký, mà còn được thể hiện dưới các hình thức khác nhau trong nghệ thuật Champa. Chúng ta có thể thấy nữ thần xuất hiện cùng với chồng trên một loạt bức phù điêu đá nổi tiếng như các trán cửa (tympan) Mỹ Sơn C.1 và Mỹ Sơn A’1 mô tả cảnh Siva múa. Các bức phù điêu lớn Ưu Điềm và Hạ Nông Trung mô tả nữ thần ngồi cùng chồng trên lưng bò Nandin… Ở bức trán cửa đá lớn Trà Liên, nữ thần cùng chồng ngồi hai bên gốc cây thần. Bà lại xuất hiện với hình dáng là nữ thần chiến binh Durga giết quỷ đầu trâu Mahisha trên một loạt trán cửa đá của các đền tháp Mỹ Sơn E.4, Chiên Đàn, Pô Nagar, tháp Mắm… Không chỉ vậy, nữ thần còn được tạc độc lập như pho tượng Durga khá lớn có nhiều tay ngồi ở tháp Bà Nha Trang (tháp Pô Nagar) và pho tượng Uma đứng, bốn tay, có nguồn gốc từ Bích La (hiện ở Bảo tàng Guimet (nước Pháp). Điều đặc biệt là, các hiện vật điêu khắc trên không chỉ xuất hiện vào thời điểm niên đại với phong cách khác nhau trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV, mà còn được phát hiện tại cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam của vương quốc cổ Champa (1). Vì vậy, theo như tôi được biết, trong số các nền nghệ thuật cổ ở khu vực Đông Nam Á, không nơi nào có một truyền thống tạc tượng Durga lâu đời, phong phú, đa dạng và tồn tại liên tục trong suốt chiều dài lịch sử như ở Champa.

Pho tượng Durga bằng đá ở Bích La
Vì đã có một truyền thống lâu dài và liên tục, cho nên, theo tôi, dù được thể hiện vào những thời điểm lịch sử sớm muộn khác nhau; dù được tạo tác dưới hình thức tượng tròn hay phù điêu, đứng, ngồi hay múa; dù được mô tả trong những cảnh trí khác nhau, chúng ta cũng không khó nhận ra một số nét tạo hình khá riêng biệt và thống nhất ở các hình nữ thần Durga của Champa. Đó là phần trên cơ thể nữ thần đều thể hiện ra bộ ngực căng tròn và các nếp gấp của bụng. Bộ tóc được tạo hình bằng các bím tóc tết lại, búi cao lên thành hình chóp với hai dải bím tóc quấn ngang chia làm hai phần, phần đuôi tóc tết buông thõng xuống một cách tự do. Tượng mặc một chiếc váy có một nếp gấp giữa chạy dài tới mắt cá chân. Tất nhiên, trong từng giai đoạn lịch sử hay phong cách sớm muộn và trong từng hình thức thể hiện, những nét đặc trưng nói trên đều có những biểu hiện đặc thù, phù hợp và tương ứng.
Qua so sánh, ta có thể nhận thấy kiểu dáng và một số nét tạo hình truyền thống vừa mô tả trên của tượng Durga Champa trong pho tượng đồng vừa được hồi hương này. Hơn nữa, tôi cho rằng, pho tượng đồng mới hồi hương còn gần và giống hơn cả với pho tượng đá Durga thế kỷ IX của Champa được phát hiện từ đầu thế kỷ XX tại làng Bích La ở tỉnh Quảng Trị nay là hiện vật của Bảo tàng Guimet, nước Pháp. Pho tượng Bích La cao 107 cm, thể hiện nữ thần Durga để trần thân mình từ cổ đến hông với cặp vú mập mạp gần nhau, hơi chảy xuống. Búi tóc (jata) trên đầu gồm những chuỗi tóc vấn lên cao và được giữ bởi hai chuỗi tóc tết ngang, trán gắn hình thoi có chấm giữa. Nữ thần đứng, chân chụm lên lưng một con bò mộng nằm bẹp. Qua dấu vết của hai “cái cột” và hai mấu ở hai cùi tay, có thể thấy tượng đứng tựa vào hai trụ chống; còn các vật cầm ở bốn cánh tay thì đã mất cùng các bàn tay. Nữ thần mặc hai chiếc sarong chồng lên nhau, sarong ngoài ngắn hơn. Hai sarong được bận rất khéo với thân giữa của sarong ngoài thõng xuống tới đầu dưới của sarong trong. Hai tấm sarong được trang trí khá phức tạp gồm các băng ngang và băng đứng có các họa tiết hoa văn tinh tế [2].
Giống với tượng Bích La, pho tượng đồng mới hồi hương cũng là một tượng tròn khá lớn cao 157 cm, không tính phần đế, thể hiện nữ thần Durga bốn tay đứng thẳng. Tượng thể hiện một số đặc điểm tạo hình tương đồng như: cặp vú căng tròn, những nếp gấp khá lớn ở bụng và cổ; phần thân bên dưới bận bộ váy sarong chảy dài xuống cổ chân; bộ tóc (jata) tết vấn lên thành một búi cao được giữ bới hai dải tóc tết nằm ngang; bốn tay cầm các vật biểu trưng (đã mất). Thế nhưng, vì được đúc bằng đồng và thuộc một phong cách và niên đại khác, nên so với pho tượng đá Bích La mà các nhà nghiên cứu đã xác định thuộc phong cách Đồng Dương (cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X), pho tượng đồng Durga cũng có những nét tạo hình riêng: 1. Thân hình tượng đồng cao, thon và cân đối, trong khi đó tượng đá Bích La được thể hiện với cái đầu quá lớn so với thân thể được tạc một cách thận trọng, nhưng nửa mình trên thì hơi ngắn, bộ ngực to mập hình bán cầu sát nhau, bụng hơi phệ; 2. Khuôn mặt trái xoan, cặp mắt có tròng nhắm hờ, mũi cao, miệng cười mỉm, cằm tròn; trong khi đó, tượng Bích La có khuôn mặt rộng, chiếc cằm ngắn, trán hẹp và dẹt, mũi to, mắt dài, cặp lông mày nổi cao và giao nhau, miệng rộng, môi dày…; 3. Bộ tóc (jata) tết vấn lên thành một búi cao được giữ bởi hai dải tóc tết nằm ngang; còn ở pho tượng Bích La, tuy tóc của nữ thần cũng được tết làm nhiều dây tóc nhỏ búi ngược cao lên trên và được chia làm hai tầng nhưng, trên trán, nơi tiếp giáp với chân tóc, lại có một dải băng bao quanh theo đường lượn của chân tóc...; 4. Chiếc váy gồm hai sarong chồng lên nhau, sarong trên ngắn hơn một chút (có thể thấy hai mép phía dưới), còn thân giữa của sarong ngoài thõng xuống và mở rộng các mép nếp gấp bên dưới ra hai bên một cách trang nhã; còn ở tượng Bích La, hai sarong, ngoài ngắn, trong dài chồng lên nhau, nếp xếp ở giữa để lòi ra phần dưới của sarong ở dưới, xếp vào và có nếp xếp đều đặn; 5. Thắt lưng gồm ba giải dây thắt và một cái móc lớn hình vuông cùng những chi tiết trang trí uốn lượn rất tinh tế, cân đối và đẹp; trong khi đó, ở tượng Bích La, không có dây thắt lưng.
Những đặc điểm của pho tượng đồng Durga vừa được phân tích, so sánh trên theo tôi chính là những đặc điểm rất tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng Champa phong cách cổ hay hay còn gọi là phong cách Mỹ Sơn E.1 (từ năm 629 đến năm 757). Chi tiết đầu tóc và khuôn mặt là nơi dễ thấy nhất những nét phong cách cổ của pho tượng đồng này. So với một số tượng và phù điêu phong cách Mỹ Sơn E.1, như đầu tượng thần Siva Mỹ Sơn A’4 và tượng đồng Durga cũng có khuôn mặt trái xoan được thể hiện một cách hiện thực và sống động tuyệt vời. Những khối ở chung quanh đôi mắt, kề cận mũi, đôi mắt có tròng và cặp lông mày cong sống động; mũi thẳng, cặp môi mọng, cằm tròn, dái tai lớn... Ngoài ra, trên tấm váy ngắn của thần Siva Mỹ Sơn A’4, chúng ta còn thấy mép nếp xếp bên dưới thân giữa uốn cong và mở rộng ra hai bên giống như của tượng đồng Durga. Cũng trong phong cách cổ hay phong cách Mỹ Sơn E.1, chúng ta thấy pho tượng đá Ganesha đứng Mỹ Sơn E.5 thắt ở bụng một dây thắt lưng gần giống với thắt lưng của tượng đồng Durga: gồm ba giải tết lại và có móc cài lớn bằng kim loại mang những hình trang trí tinh tế uốn lượn và tỏa đều sang hai bên [3]. Điều đặc biệt là, chúng ta vẫn còn gặp kiểu dây thắt lưng có móc cài lớn bằng kim loại ở một số pho tượng Avalokitesvara thế kỷ VIII – IX bằng đồng như tượng Đại Hữu, tượng Hoài Nhơn.
Qua những phân tích ta thấy rằng pho tượng đồng Durga là một tác phẩm của nghệ thuật Champa với những nét đặc trưng tạo hình cơ bản của phong cách cổ Mỹ Sơn E.1. Phong cách mà các nhà nghiên cứu cho rằng có những quan hệ khá đặc biệt với phong cách Sambor Prei Kuk (600 - 650) của nghệ thuật Chân Lạp. Cũng theo các nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân chính khiến Champa và Chân Lạp trong giai đoạn ngắn này có những mối quan hệ nổi bật trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật là vì mối quan hệ cá nhân của vị đại vương cai trị toàn Champa (Maharaja Campapura) nổi tiếng Prakasadharma Vikrantavarman I (650 - 687) với dòng họ vua Isanavarman của Chân Lạp. Các tài liệu lịch sử cho biết, cha của Prakasadharma, hoàng thân Jagaddharma, đã tới sống ở Bhavapura (nước Chân Lạp) trong một thời gian dài. Tại đây, hoàng thân đã lấy công chúa Sarvani, con gái vua Isanavarman, người lập ra đô thành Isanapura (Sambor Prei Kuk). Cuộc hôn nhân này đã sinh ra vị vua Champa tương lai Prakasadharma. Vì vậy, để hiểu thêm về pho tượng đồng Durga mới hồi hương trong mối quan hệ rộng hơn, tôi có thêm một vài phân tích và so sánh dưới đây.
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy tượng có một vài chi tiết giống với những chi tiết ở pho tượng đá nổi tiếng của Chân Lạp được phát hiện vào năm 1901 tại khu đền Koh Krieng ở Sambor Prei Kuk. Pho tượng nữ thần cao 127cm nay được lưu tại Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. Vì không còn những vật cầm, nên các nhà nghiên cứu không xác định được đây là tượng Durga hay Lakshmi (vợ của thần Vishnu). Thế nhưng, như đã được xác định, tượng Devi Koh Krieng có niên đại nửa đầu thế kỷ VII và là một trong những tượng nữ thần tiêu biểu nhất và đẹp nhất của phong cách Sambor Prei Kuk (600 – 650). Tuy đã bị mất phần dưới của cả hai tay và hai chân, nhưng vẫn còn thấy rõ thân hình tuyệt mỹ của pho tượng. Phần thân mình bên trên để trần với cặp vú to, tròn sát nhau, các nếp gấp của bụng và cổ; khuôn mặt trái xoan, cặp má tròn, đôi môi gợn sóng, mũi hẹp, dái tai dài; bộ tóc (jata) vấn cao thành búi to được chia làm hai phần và được trang điểm bằng năm dải tóc chảy xuống; chiếc váy dài có thắt nút gấp nếp ở trước và một nếp gấp giữa chảy dài xuống mắt cá; chiếc thắt lưng gồm một dây có năm dải và một cái móc lớn với những tràng hoa lá uốn lượn tinh tế và đẹp mắt [4]. Chúng ta có thể thấy tất cả các chi tiết trên của tượng Devi Koh Krieng ở pho tượng đồng Durga Champa. Thế nhưng, theo tôi, không khó nhận ra những nét riêng của pho tượng đồng Durga Champa ngay trong những biểu hiện và những chi tiết giống với tượng Devi Koh Krieng. Tượng Devi Koh Krieng đậm chất phụ nữ kiểu Ấn Độ [5]. Trong khi đó, tượng đồng Durga Champa, các chi tiết “phồn thực” kiểu Ấn Độ này đều được thể hiện tiết chế, thanh thoát hơn. Các tràng hoa lá cuộn trên mặt móc thắt lưng đã trở nên đơn giản hóa và cách điệu hóa thành những sợi dây và những chiếc móc đơn giản liên kết và đan lại với nhau.
Tóm lại, từ những phân tích, so sánh giữa các tiêu bản tượng khác nhau, tôi cho rằng, những nét riêng của pho tượng đồng Durga mới hồi hương chính là những đặc điểm tạo hình của nghệ thuật Champa trong phong cách cổ Mỹ Sơn E.1, một phong cách mà J.Boisselier đã nhận xét là “đem lại cùng một lúc bằng chứng thực về một truyền thống Champa độc đáo và cả những cuộc tiếp xúc về mặt nghệ thuật với nước Chân Lạp vào khoảng năm 650. Hậu quả của những cuộc tiếp xúc này dường như phai mờ nhanh chóng trong những giai đoạn tiếp tục của phong cách này” [6]. Thế nhưng, do những hậu quả tiếp xúc với Chân Lạp đã có những “phai mờ” nhất định này, nên theo tôi, pho tượng đồng Durga tuy thuộc phong cách Mỹ Sơn E.1, nhưng niên đại sẽ là không quá sớm, phải sau năm 650.
NGÔ VĂN DOANH
1. Các thông tin cho biết, tháng 8 năm 2023, Bộ tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ phối hợp với Cảnh sát đô thành Luân Đôn của Anh đã tịch thu pho tượng từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp và sau đó, vào ngày 13 tháng Chín năm 2023, pho tượng được bàn giao cho Đại sứ quán Việt nam tại Vương quốc Anh.
Tài liệu tham khảo:
1. Về các tượng nữ thần Durga Champa, có thể tham khảo: Ngô Văn Doanh, Nghệ thuật Champa. Tượng các thần Hindu giáo. Nxb. Đà Nẵng, 2023.
2. J.Boisselier, La statuaire du Champa. Recherches sur les cultes et l’iconographie, EFEO, Paris, 1963, tr. 130-131.
3. J.Boisselier, La statuaire du Champa. Recherches sur les cultes et l’iconographie, EFEO, Paris, 1963, tr. 47-48, tr.54-55, các hình vẽ I. c, VI. b và c.
4. Khun Samen, The New Guide to the National Museum – Phnom Penh, Third edition, 2008, tr. 61.
5. Philip Rawson, The Art of Southeast Asia, Thames and Hudson, London, 1995, tr.30, h. 19.
6. J.Boisselier, La statuaire du Champa. Recherches sur les cultes et l’iconographie, EFEO, Paris, 1963, tr. 49.