Tóm tắt: Sáng tác và đào tạo nghệ thuật là hai hoạt động có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau và cùng với nghiên cứu chúng góp phần làm cho một nền nghệ thuật trở nên phát triển hay không. Trong lĩnh vực nghệ thuật đồ họa ở Việt Nam, hai hoạt động này luôn gắn bó khăng khít và ảnh hưởng rõ rệt đến nhau kể từ khi ngành đào tạo Đồ họa tạo hình chính thức được mở và thực hiện tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh qua 40 năm nay. Khác với trước kia, sự tác động diễn ra chủ yếu từ đào tạo đến sáng tác, trong những năm gần đây, nhất là từ 2010 đến nay, sự tác động của sáng tác đồ họa đến đào tạo đồ họa rất rõ nét và cụ thể. Bài viết khái quát một số vấn đề mà hoạt động sáng tác đồ họa đã tác động đến việc mở rộng đào tạo như thế nào và cả những khía cạnh mà đào tạo chưa bắt kịp đời sống sáng tác để từ đó có cái nhìn khách quan, thực tế hơn trong việc xây dựng chương trình đào tạo nghệ thuật gắn với thực tiễn.
Từ khóa: Sáng tác đồ họa, đào tạo đồ họa, tranh in, tranh đồ họa.
Trong mỹ thuật, đồ họa tạo hình là một thể loại có truyền thống lâu đời với các loại tranh in từ ván khắc gỗ, và sau này là tranh in từ bản khắc kim loại, rồi tranh in đá, in lưới, in độc bản. Từ khi có nền mỹ thuật và đào tạo mỹ thuật hiện đại, các môn thuộc đồ họa tạo hình như khắc gỗ, in đá, khắc kim loại đã được đưa vào chương trình giảng dạy của Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường Mỹ thuật Gia Định, Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi thành lập Khoa Đồ họa ở Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1976 và ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977, Bộ môn Đồ họa tại Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế năm 1991, đến nay hầu hết các môn chuyên ngành của đồ họa tạo hình như tranh khắc gỗ, tranh khắc kim loại, tranh in đá, tranh in lưới, tranh in độc bản đã được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo này và ở một số trường khác như: Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp của Đại học Văn Lang, Khoa Mỹ thuật của Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa…
Đầu năm 1977, nhằm hướng tới mục đích thành lập Khoa Đồ họa với ngành đào tạo Đồ họa tạo hình, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã tiến hành cuộc hội thảo lớn về các vấn đề của nghệ thuật đồ họa và đào tạo đồ họa. Trong đó, không ít bài tham luận đều quan tâm đến mối quan hệ giữa sáng tác và đào tạo đồ họa, các tác giả là những giảng viên của trường rất trăn trở với việc làm thế nào để đào tạo gắn kết với các xu hướng, tìm tòi mới về kỹ thuật, hình thức và quan niệm nghệ thuật trong sáng tác đồ họa ở nước ta cũng như trên thế giới lúc đó. Thực tế cho thấy rằng, sau khi thành lập Khoa Đồ họa và triển khai đào tạo ngành Đồ họa ở đây, các quan tâm và trăn trở về vấn đề trên đã trở thành một dạng quan niệm, rồi trở thành truyền thống được áp dụng trong các giai đoạn đào tạo khác nhau của riêng Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và của chung ngành đào tạo Đồ họa trên cả nước. Với giai đoạn đầu thế 21, trong xu thế hội nhập và giao lưu đa phương, sáng tác tranh đồ họa Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực để hòa nhập với dòng chảy chung của nghệ thuật đồ họa thế giới và phản ánh chân thực đời sống đương đại trong nước. Những kết quả tích cực của quá trình chuyển biến trong sáng tác đồ họa tranh in cũng đã tác động rất cụ thể đến chương trình đào tạo đồ họa tạo hình ở các cơ sở đào tạo mỹ thuật trên toàn quốc. Dưới đây, tác giả bài viết sẽ đưa ra các khía cạnh mà sáng tác đồ họa đã tác động đến đào tạo đồ họa trong thời gian qua.
Khái quát những thành tựu đổi mới trong sáng tác đồ họa tranh in.
Trong giai đoạn mười lăm năm đầu thế kỷ 21, nghệ thuật tranh in Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, cụ thể và được ghi nhận bởi giới nghệ thuật và công chúng. Những chuyển biến về thể loại; về chất liệu, kỹ thuật; về ngôn ngữ và hình thức nghệ thuật; về nội dung phản ánh của tranh in đã tạo nên một diện mạo mới cho nó. Diện mạo mới của tranh in giai đoạn này được biểu hiện ở sự đầy đủ của hệ thống các thể loại mà trước đó chúng ta chưa có điều kiện phát triển, ở sự phong phú của các cách biểu đạt bằng ngôn ngữ tạo hình đồ họa. Bên cạnh ngôn ngữ đồ họa đường nét, mảng phẳng theo kiểu đơn tuyến bình đồ, mang nhiều sắc thái ước lệ, trang trí; thì đã xuất hiện đồ họa tranh in đa chiều như book art hay sắp đặt tranh in. Điều dễ nhận thấy ở sự thay đổi diện mạo nghệ thuật tranh in là các tác phẩm đã được sáng tác một cách chuyên nghiệp hơn, bám sát đầy đủ các yêu cầu về chất lượng kỹ thuật đối với tranh in đang được thực hiện phổ biến trên thế giới. Việc tuân thủ những tiêu chuẩn chung của nghệ thuật tranh in thế giới của các họa sỹ Việt Nam thời gian qua đã được ghi nhận tại nhiều triển lãm nhóm tại Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản… và triển lãm thường kỳ quốc tế như Triển lãm tranh in quốc tế thường kỳ 2 năm tại Đài Loan, Kuan Lan, Vân Nam, Ma Cao (Trung Quốc); Triển lãm tranh in quốc tế thường kỳ 3 năm tại Băng Cốc (Thái Lan); Triển lãm Đồ họa ASEAN. Diện mạo mới của tranh in Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015 chính là tính chuyên nghiệp trong cách thức thể hiện; sự phong phú, đa dạng về ngôn ngữ, hình thức và nội dung nghệ thuật. Diện mạo đó phản ánh quá trình phát triển đúng quy luật tự nhiên của đồ họa tranh in nói riêng, mỹ thuật Việt Nam nói chung trong xu hướng giao lưu mở rộng và hội nhập quốc tế của cả đất nước [1].
Qua nghiên cứu có thể thấy, diện mạo mới của tranh in cũng đã phản ánh rõ những giá trị mới mà thể loại đồ họa này đã tích lũy được trong quá trình phát triển của nó ở giai đoạn 2000 - 2015. Điều đầu tiên cần phải nhắc tới khi bàn về cái mới của tranh in chính là tính chuyên nghiệp, tính cập nhật, tính đương đại, tính xã hội được biểu hiện mạnh mẽ, đa chiều thông qua nhiều phong cách và phương pháp thể hiện khác nhau. Bên cạnh đó những ý thức về bản sắc văn hóa, tinh hoa thẩm mỹ dân tộc vẫn luôn được chú trọng, duy trì một cách tinh tế trong các sáng tác. Những yếu tố đó đã làm nên giá trị riêng của tranh in giai đoạn này, đưa nó tiến gần hơn với những giá trị chung của tranh in quốc tế.
Diện mạo mới, giá trị mới của tranh in Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21 đã được tạo nên bởi chính những nỗ lực không mệt mỏi và lòng nhiệt tình sâu sắc của những họa sỹ đồ họa ở cả ba miền của đất nước. Những sự chuyển biến hết sức tích cực đó đã tự chúng tạo nên nhiều thay đổi trong nhận thức, quan niệm về thể loại đồ họa mà trong một thời gian dài trước đó luôn bị coi là hình thức thứ yếu so với các hình thức mỹ thuật khác. Qua các triển lãm, workshop, tranh in xuất hiện ngày một nhiều hơn và chất lượng hơn khiến công chúng và giới nghệ thuật nhìn nhận nó tích cực hơn. Đồ họa tranh in đã có nhiều bước đột phá, giàu tính sáng tạo và chuyên nghiệp với nhiều tìm tòi, khám phá và sáng tạo hơn, do đó nó đã trở nên hấp dẫn và tạo nhiều điều thú vị cho người xem. Đó là những lời nhận định xuất hiện ngày một thường xuyên hơn trong các đánh giá tổng kết nhiều triển lãm mỹ thuật ở quy mô khu vực địa phương và toàn quốc. Những bước tiến mang tính đột phá của tranh in cũng đã dần dần thay đổi quan niệm về nó. Sự đa dạng về hình thức tác phẩm tại các cuộc triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, triển lãm khu vực hay toàn quốc cho thấy tranh in không chỉ là những tác phẩm trên giấy được lồng trong khung bo như trước. Nó có thể xuất hiện ở dạng tranh trục, tranh treo không khung kính, ở dạng sắp đặt, Nghệ thuật sách (Book Art) hay Video Art. Tranh in không chỉ là những tác phẩm được thể hiện cầu kỳ, phức tạp bằng quá trình nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của máy móc chuyên dụng, nó còn có thể được sáng tác bằng các phương pháp, phương tiện, công cụ mang tính đại chúng, gần gũi với mọi người như in cảm quang, in trổ khuôn, khắc và in bản gỗ bằng những công cụ sinh hoạt và lao động thường nhật.
Những hình thức nghệ thuật và cách thức sáng tạo tác phẩm như kể trên của tranh in rõ ràng đã làm phong phú cho thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam, trong đó đặc biệt là hình thức sắp đặt tranh in và video art bằng tranh in. Qua đó tạo ra các khái niệm mới trong nghệ thuật đương đại nước ta và đưa tranh in Việt Nam hội nhập với tranh in thế giới một cách bình đẳng. Đặc biệt, những chuyển biến quan trọng đó đã trở thành nền tảng thực tế để thay đổi chương trình và cách thức đào tạo đồ họa trong các trường mỹ thuật ở nước ta.
Những tác động từ sáng tác đồ họa đến đào tạo ngành đồ họa tạo hình
Kết quả tích cực của sáng tác đồ họa, đặc biệt là tranh in những năm qua đã tác động trực tiếp và hiệu quả tới sự thay đổi, mở rộng nội dung đào tạo đồ họa ở các trường mỹ thuật.
Thứ nhất, sự tác động thể hiện ở khía cạnh mở rộng và bổ sung chất liệu, kỹ thuật mới trong thực hành các bài học sáng tác của sinh viên đồ họa.
Kể từ khi xuất hiện các học viện đào tạo mỹ thuật trên thế giới, có thể thấy sự phát triển của các nền mỹ thuật luôn là kết quả tổng hòa từ các hoạt động đào tạo, sáng tác và nghiên cứu. Ở Việt Nam cũng vậy, mối quan hệ khăng khít, hài hòa của các hoạt động như nói trên đã chi phối sự vận động của nền mỹ thuật theo hướng gắn kết với xã hội và đời sống đất nước. Với sự mở rộng phạm vi hình thức và nội dung phản ánh trong sáng tác tranh in giai đoạn sau năm 2000, việc thay đổi trong cơ cấu đào tạo ngành đồ họa tạo hình những năm qua được nhìn nhận như một thực tế tất yếu. Nói cách khác, bản thân sự chuyển biến về thể loại, phương pháp, kỹ thuật, ngôn ngữ, hình thức và nội dung của tranh in trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 đã tác động rõ rệt đến công tác đào tạo ngành đồ họa tạo hình ở nước ta. Những tác động từ hoạt động sáng tác đến hoạt động đào tạo ấy chủ yếu là những tác động trực tiếp bởi nhiều trại sáng tác đồ họa thường được tổ chức tại các cơ sở đào tạo mỹ thuật, đa phần các giảng viên đồ họa đều là những người tích cực tham gia các trại sáng tác bên ngoài nhà trường, ở trong nước và ở nước ngoài. Tại các trại sáng tác đồ họa ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp của Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương… đều có số lượng không nhỏ sinh viên tham gia với tư cách tình nguyện viên. Ở các trại sáng tác đồ họa do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hay ở nước ngoài đều có những giảng viên Nguyễn Nghĩa Phương, Vương Trọng Đức, Vũ Đình Tuấn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam); Nguyễn Hải Hòa, Phạm Văn Ba, Phan Hải Bằng (Đại học Nghệ thuật Huế); Trần Văn Quân, Đặng Minh Thành, Nguyễn Tố Uyên (Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh) rất tích cực tham gia, qua đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và cách nhìn mới về xu thế phát triển của tranh in đương đại thế giới. Những nhân tố nêu trên đã góp phần không nhỏ và trực tiếp đến nhu cầu thay đổi cơ cấu chương trình và cách thức đào tạo ngành đồ họa ở các trường mỹ thuật có khoa hay bộ môn đồ họa và ở các trường có mong muốn mở rộng đào tạo sang lĩnh vực đồ họa tạo hình.
Từ các trại sáng tác tranh in độc bản do Hội Mỹ thuật Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức, hình thức tranh in này đã dần được đưa vào các trường mỹ thuật thông qua các giảng viên là các họa sỹ đã tham gia. Kể từ năm 2004, 2005 trở lại đây các khoa hay bộ môn đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Nghệ thuật Huế, Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đều có những bổ sung mới về môn học, về phương pháp và kỹ thuật tranh in trong giảng dạy. Trong đó môn học sáng tác tranh in độc bản là bổ sung hoàn toàn mới so với trước đó ở cả ba cơ sở đào tạo này. Qua thời gian, đến nay số lượng học phần sáng tác tranh in độc bản ở các trường này đều tăng. Thậm chí, môn học tranh in độc bản đã được mở rộng cho sinh viên ở ngành học Hội họa, Điêu khắc, Thiết kế Đồ họa, Sư phạm mỹ thuật (với vị trí là môn học tự chọn) như ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay ở Khoa Mỹ thuật Công nghiệp (Đại học Văn Lang), Khoa Sư phạm Mỹ thuật (Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), Khoa Đồ họa và Khoa Sau đại học (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cũng đã đưa tranh in độc bản trở thành bài học trong chương trình đào tạo [9].
Về các chất liệu và kỹ thuật tranh in khác thì tùy điều kiện và mục tiêu đào tạo của mỗi trường mà có mức độ bổ sung, mở rộng khác nhau. Song, qua quan sát thực tế cho thấy, ở các trường mỹ thuật lâu năm sự thay đổi rõ nhất nằm ở môn học sáng tác tranh khắc gỗ (thuộc thể loại tranh in nổi) và sáng tác tranh in đá (thuộc thể loại tranh in phẳng). Trong môn học tranh khắc gỗ đã xuất hiện chất liệu gỗ ván ép công nghiệp (MDF), gỗ dán thay dần chất liệu gỗ tự nhiên rồi trở nên chiếm ưu thế gần như tuyệt đối; và có bổ sung kỹ thuật khắc phá bản, kỹ thuật in màu bằng mực in (thay vì trước đó chỉ chấp nhận kỹ thuật in màu bằng màu bột) [4], [5]. Một số thay đổi đối với môn học sáng tác tranh khắc gỗ như vậy xuất phát từ các giảng viên đã tham gia “Trại sáng tác Tranh in các nước tiểu vùng sông Mê Công” được tổ chưc tại Khoa Mỹ thuật, Đại học Chiang Mai, Thái Lan năm 2007 như: Trần Văn Quân (Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh), Phan Hải Bằng (Đại học Nghệ thuật Huế) và Nguyễn Nghĩa Phương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tham gia trại sáng tác này họ đã thực hành rút kinh nghiệm thực tế và triển khai trong giảng dạy từ năm học 2009 - 2010. Những thay đổi này tùy từng cơ sở đào tạo mà có sự chấp nhận ngay hay dần dần. Song, chúng đã tác động tích cực đến hiệu quả bài học của sinh viên để từ đó đưa nội dung đào tạo đồ họa gần hơn với thực tế sáng tác.
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay, thông qua các trại sáng tác đã xuất hiện và trở nên phổ biến các kỹ thuật tranh in mới như in phẳng trên kim loại, in gôm, cyanotype, in lõm collagraph trong đời sống sáng tác đồ họa. Bằng con đường như các kỹ thuật, chất liệu đã nêu ở trên, các kỹ thuật này cũng nhanh chóng được triển khai, áp dụng trong các cơ sở đào tạo đồ họa tạo hình chuyên nghiệp. Việc thể hiện tranh in bằng các kỹ thuật, chất liệu này đã trở thành những học phần mới, hoặc mang tính chất bắt buộc, hoặc mang tính chất tự chọn trong chương trình đào tạo của ngành đồ họa. Cụ thể, ở Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ năm học 2013 - 2014, kỹ thuật in collagraph đã trở thành “Học phần sáng tác đồ họa 19”; In gôm, cyanotype đã trở thành nội dung môn học tự chọn “In cảm quang”. Kỹ thuật in collagraph đã đem lại nhiều hứng khởi cho sinh viên khi làm bài. Ở đó họ được khá tự do trong lựa chọn, ứng tác với các chất liệu chế bản in khác nhau, từ gesso acrylic cho đến các vật thể phế thải hay có sẵn, các hìnhthể được cắt từ các chất liệu nhựa, kim loại mỏng... rồi dán ghép với nhau để tạo khuôn in. Kỹ thuật này không chỉ an toàn hơn bởi không cần dùng đến hóa chất mà còn tạo ra nhiều hiệu quả thị giác, hiệu quả chất cảm phong phú mà chế bản in lõm trên kẽm hay đồng không có được. Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014 kỹ thuật in phẳng trên kim loại cũng đã được áp dụng cho một phần của môn học được gọi là “In đá” tại các trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Nghệ thuật Huế. Kỹ thuật này được triển khai đã đem lại những lợi ích cụ thể cho công tác đào tạo tại đây. Nó không chỉ bổ sung phương tiện mới cho thực hành môn học này, mà còn góp phần khắc phục những khó khăn đã tồn tại nhiều năm ở chất liệu, kỹ thuật in đá truyền thống. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên trong việc biểu hiện các dạng thẩm mỹ tranh in mới mẻ một cách thuận lợi mà phương pháp in đá truyền thống đang tồn tại ở Khoa Đồ họa khó thực hiện. Hiệu quả hấp dẫn của kỹ thuật, chất liệu in phẳng trên kim loại được thấy khá rõ trong bài sáng tác của sinh viên, nhất là bài tốt nghiệp. Việc đưa các kỹ thuật nói trên vào chương trình đào tạo ngành đồ họa của Trường ĐHMT Việt Nam được xuất phát từ kinh nghiệm tham gia trại sáng tác đồ họa và ý chí cải tiến, đa dạng hóa nội dung đào tạo của các giảng viên trong khoa như Vương Trọng Đức, Nguyễn Nghĩa Phương, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Mỹ Ngọc (Hà Nội), Trần Văn Quân, Đặng Minh Thành (Tp Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Ba, Phan Hải Bằng, Nguyễn Hải Hòa (Huế).
Thứ hai là sự tác động đến mở rộng cơ cấu môn học cập nhật với xu hướng sáng tác tranh in đương đại.
Cùng với việc bổ sung các chất liệu, kỹ thuật tranh in mới vào giảng dạy các môn học của ngành đồ họa, các hình thức mới của nghệ thuật tranh in đương đại trên thế giới cũng đã được sinh viên đồ họa thực hành với sự hướng dẫn cụ thể của giảng viên. Song, thực tế cho thấy, các hình thức mới của tranh in như sắp đặt, book art (Nghệ thuật sách) mới được cập nhật triển khai trong đào tạo đồ họa tạo hình ở Đại học Nghệ thuật Huế, và đặc biệt ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
N.N.P
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Việt Dũng (2016), Yếu tố tiếp biến trong nghệ thuật tranh in Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015, Luận văn thạc sỹ mỹ thuật tạo hình, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
2.Phạm Trung Hưng (2014), Tác động của kỹ thuật số đến sáng tác tranh in tại Việt Nam, Luận văn thạc sỹ mỹ thuật tạo hình, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
3.Bùi Như Hương, Phạm Trung (2012), Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2000, NXB Trí thức, Hà Nội.
4.Trương Nguyễn Nguyên Kha (2013), Những bước phát triển mới trong tranh khắc gỗ từ năm 1986 đến nay, Luận văn thạc sỹ mỹ thuật tạo hình, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
5.Nguyễn Duy Lẫm (2008), “Vài nét về nghệ thuật đồ họa trong giai đoạn hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo “Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ Hội nhập Quốc tế, Hội Mỹ thuật Việt Nam, tr. 198-202, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
6.Hoàng Minh Phúc (2015), Đồ họa in khắc gỗ Việt Nam hiện đại, Nxb Thế giới.
7.Hoàng Minh Phúc (2013), Nghệ thuật đồ họa Tp.Hồ Chí Minh những thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Sách Mỹ thuật Sài gòn-Tp.Hồ Chí Minh.
8.Nguyễn Nghĩa Phương (2012), “Tranh in đương đại và một số tín hiệu thực hành đồ họa mở ở Việt Nam”, Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật, 1(41), tr. 35-41.
9.Nguyễn Nghĩa Phương (2014), “Tranh in độc bản - vấn đề sáng tác và đào tạo ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Trường ĐHMTVN số 1(49), tr.72-79
10.Nguyễn Trân (1995), Nghệ thuật Đồ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
11.Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (1991), Giáo trình Đồ họa, Hà Nội.
12.Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (2013), Chương trình đào tạo ngành Đồ họa, Hà Nội.
13.Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (2015), Chương trình đào tạo ngành Đồ họa, Hà Nội.
Nguyễn Nghĩa Phương